Đầu tư hạ tầng cảng cá góp phần thúc đẩy phát triển khai thác thủy sản

Những năm gần đây, việc quan tâm đầu tư xây dựng các cảng cá của tỉnh đã tạo động lực nâng cao hiệu quả phát triển khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ; giảm tổn thất sau khai thác hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm gần đây, việc quan tâm đầu tư xây dựng các cảng cá của tỉnh đã tạo động lực nâng cao hiệu quả phát triển khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ; giảm tổn thất sau khai thác hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với nghề cá của tỉnh và bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực ven biển.

Ngư dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi.

Hiện nay, tỉnh ta có Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu), Cảng cá Thành Vui, Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy), Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ và bến cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng). Những năm gần đây, số lượng tàu, thuyền của tỉnh liên tục tăng, nhất là số tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn ngày càng nhiều nên nhu cầu cảng neo đậu, bốc dỡ, bán thủy sản; sửa chữa, tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão ngày càng gia tăng. Tại các cửa sông Ba Lạt, Ninh Cơ mỗi ngày có từ 300-500 tàu, thuyền và các phương tiện nghề cá hoạt động. Cửa sông Ninh Cơ là một trong những cửa sông lớn của tỉnh nên hoạt động nghề cá khá sôi động. Ngoài nhiệm vụ tiêu thoát nước lũ cho lưu vực sông Ninh, nơi đây còn giữ một vị trí quan trọng trong giao thông đường thủy của tỉnh nói chung và của 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng nói riêng, là nơi hoạt động của tàu cá ra vào đánh bắt hải sản và tránh trú bão. Hàng ngày, số tàu, thuyền và phương tiện nghề cá trong và ngoài tỉnh tham gia bốc dỡ sản phẩm và cung cấp các dịch vụ rất đông… Nhằm đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các huyện tổ chức quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng Cảng cá Ninh Cơ trở thành cửa ngõ kết nối vận tải thủy, là 1 trong các trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ nghề khai thác thủy sản; nơi bốc dỡ, mua bán sản phẩm hải sản của các tàu cá; đồng thời là nơi tránh trú cho các loại tàu, thuyền trong ngoài tỉnh khi có áp thấp nhiệt đới, bão. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Nam Định tập trung rà soát tình hình thực tế cảng so với các tiêu chí cảng cá loại I quy định tại khoản 1 Điều 78, Luật Thủy sản 2017; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), Cảng vụ Hàng hải cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ công bố đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I theo quy định. Bên cạnh đó, Ban quản lý Cảng cá Nam Định đã tập trung kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, mua sắm 9 ô tô chuyên dụng 4 máy xay đá công suất 25-30 tấn/h, 4 băng chuyền vận chuyển, 2 xe máy tời lưới, 4 mái che bạt lưu động và 5 hệ thống cung cấp nước cho tàu cá. Hiện, Cảng cá Ninh Cơ có chiều dài cầu cảng là 192m nên trong cùng một thời điểm có thể tiếp nhận được 10 lượt tàu với chiều dài từ 12-24m; với lượng bốc dỡ của tàu cá trong 2h thì số lượt tàu cá cập cảng trong ngày đạt tới 120 lượt, đảm bảo sản lượng thủy sản qua cảng đạt gần 29 nghìn tấn/năm. Nhờ có trang thiết bị đồng bộ nên việc bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tới 90%, quá trình bốc xếp hàng hóa, giải phóng phương tiện nhanh chóng, góp phần khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại cảng cá; giảm sức lao động nặng nhọc, thủ công và nâng cao năng suất khai thác hàng hóa, giảm chi phí và giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động..

Ngư dân Nguyễn Văn Quang, chủ tàu cá xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: Khi các yếu tố đầu vào và đầu ra ổn định, ngư dân chúng tôi sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất của từng chuyến đi biển. Chính điều này đã tạo động lực rất lớn cho chúng tôi trong quá trình vươn khơi bám biển khai thác thủy hải sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình và người lao động địa phương. Đồng chí Nguyễn Thành Chung, Quyền Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nam Định khẳng định: Việc đầu tư xây dựng các cảng cá có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong điều kiện kinh tế thủy sản Việt Nam hiện nay đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh ta vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Thực hiện Luật Thủy sản 2017 và chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, của UBND tỉnh về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, Ban quản lý Cảng cá Nam Định đang tích cực phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát tàu cá ra vào Cảng cá Ninh Cơ để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn việc khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không ghi nhật ký hành trình khai thác nhằm kiểm soát chặt sản lượng thủy sản khai thác. Phối hợp với lực lượng Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hải Thịnh kiểm tra, lập biên bản và xử lý tàu cá khai thác vượt khỏi ranh giới cho phép, tàu cá các tỉnh ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đồng thời kịp thời nhắc nhở ngư dân mang đầy đủ hồ sơ tàu, thuyền và thực hiện nghiêm việc khai báo khi tàu cập và rời cảng, ghi nhật ký hành trình khai thác, đánh bắt đúng các ngư trường được phép… tạo thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc xuất xứ của các loại thủy sản khai thác xuất bán vào các thị trường nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân, thúc đẩy ngành thủy sản của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tàu, thuyền của các địa phương vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nghề cá. Chẳng hạn, cảng cá Thành Vui đã được đưa vào quy hoạch đầu tư mở rộng nhưng nguồn vốn hạn hẹp nên bến bãi, cầu cảng vẫn rất chật hẹp, chưa tiếp nhận được các tàu lớn, luồng lạch dẫn vào cảng còn bị bồi lấp, gây khó khăn cho việc ra vào, do đó nhiều tàu lớn phải ở bên ngoài cảng. Còn Khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa Hà Lạn thì vừa mới được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I nên công tác quản lý, vận hành cũng còn không ít hạn chế, việc tiếp nhận các tàu lớn có chiều dài từ 24m trở lên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…

Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhưng việc phát huy vai trò của các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu, thuyền là cơ sở để các địa phương nâng cao hiệu quả của hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ khai thác thủy sản, góp phần phát huy hiệu quả phát triển kinh tế biển... Vì vậy thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để tập trung đầu tư, xây dựng và nâng cấp các cảng cá, đáp ứng sự phát triển của nghề cá hiện nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202106/dau-tu-ha-tang-cang-ca-gop-phan-thuc-day-phat-trien-khai-thac-thuy-san-2544734/