Đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho chương trình mục tiêu phát triển văn hóa là quá lớn

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tổng mức đầu tư cho chương trình là quá lớn, chưa phù hợp với Luật Đầu tư công.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư nguồn vốn gắn với nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình, tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện, dẫn đến lãng phí.

Cùng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phân tích, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư là 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương gần 11 tỷ USD. Nếu tính trên tổng GDP của nước ta là 420 tỷ USD hiện nay thì số chi 1 tỷ USD là khá lớn. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn 2035, GDP Việt Nam có thể 800 - 900 tỷ USD thì 1 tỷ USD này là nhỏ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phát biểu

Theo đại biểu Huân, vấn đề là căn cứ xác định tổng mức đầu tư của chương trình không tương thích với 10 thành phần chương trình, cơ sở để khái toán tham chiếu từ các hạng mục công việc thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020 khi mà giá cả thị trường, quy mô nền kinh tế liên tục thay đổi.

Vì vậy, tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này.

Đại biểu cũng cho rằng, cần rà soát 10 thành phần chương trình bao trùm hết mục tiêu và hướng tới giá trị cốt lõi, sau đó khái toán chi phí từng năm, bám sát từng thành phần ấy và các hạng mục vật thể, phi vật thể được quy ra % GDP ước tính từng năm theo dự báo chiến lược kinh tế từng thời kỳ.

Còn theo Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), chương trình cần bám sát quy định của Luật Đầu tư công, do đó những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ cần được rà soát lại. Về tính khả thi, đại biểu cho rằng chương trình đưa ra rất nhiều chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu trùng lặp, cần được sắp xếp lại phù hợp, khả thi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên những vấn đề cấp bách.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) bày tỏ lo ngại nguồn vốn cho chương trình là khá cao; trong đó có nguồn vốn huy động các nguồn lực xã hội nhưng chương trình lại chưa xác định các hạng mục, công trình cụ thể để kêu gọi xã hội hóa. Đại biểu cho rằng nếu chương trình không ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực xã hội thì chương trình sẽ khó thực hiện, sẽ lặp lại những vướng mắc, bất cập, hạn chế mà các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện gặp phải.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) thảo luận

Cùng tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng hiện nay chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất tổng mức đầu tư cho chương trình là quá lớn và chưa phù hợp với Luật Đầu tư công. “Tôi cho rằng cần rà soát thận trọng, thu hẹp các mục tiêu, bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để đưa ra con số phù hợp bảo đảm hài hòa, công bằng với các mục tiêu bức thiết khác”, đại biểu nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dau-tu-hang-tram-nghin-ty-dong-cho-chuong-trinh-muc-tieu-phat-trien-van-hoa-la-qua-lon-post580183.antd