Đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Chia sẻ quan điểm bên hành lang kỳ họp, các đại biểu cho rằng, bức tranh tổng thể tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng năm 2022 tương đối khả quan, với những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng sẽ gặp rất nhiều rào cản, vì thế cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo dõi tình hình kinh tế quốc tế và trong nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, từ giữa tháng 10/2022, sức chống chịu của kinh tế bắt đầu có dấu hiệu yếu dần, dường như động lực tăng trưởng sẽ gặp nhiều rào cản. Về trụ cột đầu tư, đại biểu cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch, mục tiêu; vốn tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó vì Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% từ nay đến cuối năm. Lãi suất điều hành đã điều chỉnh hai lần, mỗi lần thêm 1 điểm phần trăm làm gia tăng áp lực thanh khoản, khiến các ngân hàng thương mại lao vào cuộc đua tăng lãi suất. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù vốn thực hiện tăng, song vốn đăng ký mới bị chững lại...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đã chia sẻ một số ý kiến về huy động vốn của doanh nghiệp qua một số kênh đang gặp khó khăn, thị trường bất động sản thiếu dòng vốn phát triển mới... "Khát vốn" nên khả năng chống chịu của doanh nghiệp sẽ yếu đi. Đồng đô la Mỹ (USD) đang lên giá rất cao vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục để chống lạm phát. Việt Nam lại neo tỷ giá vào USD mặc dù từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước công bố cách điều hành mới; đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng các biện pháp giữ ổn định tỷ giá, xu hướng đồng Việt Nam lên giá so với các đồng tiền khác nhưng lại mất giá so với USD.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam với USD trước bối cảnh hiện nay. Trước mắt cần chủ động linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, áp dụng các công cụ lãi suất và bán can thiệp dự trữ ngoại hối để đảm bảo cả 2 mục tiêu ổn định vĩ mô trong dài hạn và hỗ trợ doanh nghiệp.
Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, các điều kiện cho vay phải có lãi ròng 3 năm liên tiếp, trong khi 2 năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19 nên chỉ có các doanh nghiệp lớn, tài chính tốt mới đáp ứng được các điều kiện.
“Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, nhưng không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính; có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay bởi những quy định và nguyên tắc về an toàn tiền gửi”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách huy động các tổ chức tài chính vi mô vào cuộc trong việc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh; mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn bởi có những doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực nên khi xét duyệt không đủ điều kiện do khó bóc tách; hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản - nhóm chỉ có nhu cầu vay bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với nhóm các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh vì khi nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thì tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà không gây ra lạm phát. “Thậm chí, cần có các chính sách khuyến khích nếu đạt chỉ tiêu giải ngân đối với nhóm doanh nghiệp này sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng của năm sau”, đại biểu nhấn mạnh.
Đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đến 2030, kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương.
Để thị trường khoa học công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, từ đó tạo nên sự phong phú cho thị trường khoa học công nghệ.
Chính phủ, Quốc hội quan tâm sớm rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, những rào cản pháp lý mà đã được các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... góp ý trong chuỗi các hội nghị, hội thảo vừa qua, như các nghị định để thực hiện Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định số 70, Luật đầu tư công...
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức khoa học công nghệ như giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu theo gói kinh phí, ít nhất 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm khoa học công nghệ có tiềm năng để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ; đổi mới cơ chế tài chính thanh quyết toán, đấu thầu trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ; có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó; thí điểm các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như mô hình Spin off, mô hình hợp tác xã trong trường đại học và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.
Theo đại biểu, hiện nay ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ của Việt Nam rất thấp so với các nước.Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ của Việt Nam chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi Thái Lan chi gấp 2 lần (1,14% GDP), Trung Quốc gấp 5 lần (2,4% GDP), Đức và Hoa Kỳ gấp 6 - 7 lần, và Hàn Quốc gấp gần 10 lần (4,8% GDP).
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ rà soát Quy hoạch các tổ chức khoa học công nghệ, các trường đại học và viện nghiên để có chiến lược đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức khoa học công nghệ; cần tăng đầu tư kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho các viện nghiên cứu, các trường đại học, nơi có đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ đông đảo, coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tạo nên tầm vóc và thế đứng của đất nước trên trường quốc tế, tạo nên chân dung, hình ảnh của một quốc gia, một dân tộc, và đây chính là cái nôi cho sự sáng tạo, đổi mới công nghệ…