Đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

LTS: Ngày 22/10/2020, tại Kết luận số 1424, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nhất trí chọn Sơn La làm điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 ở tất cả các dự án (theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội). Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Sơn La.

Đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Sơn La.

PV: Tỉnh Sơn La được chọn làm điểm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, hiện công tác triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Trung Dũng: Việc lựa chọn tỉnh Sơn La làm điểm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội là đề xuất của Ủy ban Dân tộc và đang chờ Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, phối hợp với các huyện tổ chức rà soát lập nhu cầu danh mục chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo kết luận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát, tổng hợp nội dung đầu tư, đối tượng, địa bàn thụ hưởng 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các nội dung để xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021 của Chương trình. Hoàn thành rà soát phân định vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Rà soát xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù theo Quyết định 39/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung rà soát nhóm dân tộc La Ha (dân số dưới 10 nghìn người) và 4 nhóm dân tộc (Mông, Kháng, Khơ Mú, Xinh Mun), sống tập trung ở xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

PV: Xin ông cho biết, tỉnh Sơn La chọn địa phương làm điểm hay ưu tiên địa bàn nào trước?

Ông Đinh Trung Dũng: Hiện tại, tỉnh chưa đưa ra việc thực hiện điểm ở các địa phương, mà tùy theo điều kiện tự nhiên xã hội để đề xuất việc triển khai các dự án phù hợp, gắn với việc đề xuất từ cơ sở, theo quản lý ngành. Còn đối với những huyện không có thế mạnh nổi trội, sẽ căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương và 10 dự án thành phần để xác định nội dung, hình thức đầu tư hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các xã, bản đặc biệt khó khăn, các DTTS còn nhiều khó khăn. Khi lựa chọn các hạng mục đầu tư, căn cứ nhu cầu thực tế và có sự tham gia đề xuất của người dân sau khi đã thống nhất, chọn hạng mục cấp thiết nhất và dựa trên nguồn lực đầu tư để triển khai, đảm bảo đồng bộ hiệu quả.

PV: Mục tiêu và giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS được hỗ trợ theo Nghị quyết 88/2019/QH14 như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Trung Dũng: Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết 88/2019/QH14, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh và thực tế của địa phương, trong tháng 3, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về công tác dân tộc. Trong đó, dự kiến xác định các mục tiêu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng thêm khoảng 1,5 lần so với năm 2020; hết năm 2025, có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 85% bản có đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa... Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác.

PV: Tổng số vốn đầu tư và giải pháp huy động, phân bổ nguồn vốn để đảm bảo hiệu quả, thưa ông?

Ông Đinh Trung Dũng: Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành, các huyện rà soát, tổng hợp nội dung đầu tư, đối tượng, địa bàn thụ hưởng các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH. Trong đó, rà soát đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, với tổng nhu cầu đầu tư là 1.896 tỷ đồng, gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã, bản đặc biệt khó khăn 1.482 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng hơn 105 tỷ đồng; đầu tư xã vùng căn cứ cách mạng thời chống Pháp 75 tỷ đồng; cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã trên 232 tỷ đồng... Trong thực hiện, đa dạng hóa nguồn lực, lồng ghép các chương trình để triển khai giữa các nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương; nguồn xã hội hóa, nguồn dân góp; lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để đầu tư trên cùng một địa bàn hoặc cùng một công trình.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khải Hoàn (thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dau-tu-phat-trien-ktxh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-38953