Đầu tư, quản lý, khai thác hiệu quả chợ truyền thống

Tiểu thương bày biện hàng hóa ra cả khu vực sân trước, làm ảnh hưởng mỹ quan khu vực chợ Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

UBND TP Tuy Hòa đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện, phát triển hoạt động kinh doanh tại các chợ, đưa mô hình chợ truyền thống ngày càng hiện đại, văn minh.

Chợ trung tâm xuống cấp

Theo thống kê của UBND TP Tuy Hòa, chợ Tuy Hòa có trên 40 ngành hàng được kinh doanh như quần áo may mặc sẵn, giày dép, đồ lưu niệm, mỹ phẩm, vàng bạc đá quý, phụ tùng xe, công nghệ thực phẩm, ăn uống giải khát, hàng thực phẩm tươi sống… với 1.936 hộ kinh doanh cố định và hơn 300 hộ kinh doanh không cố định. Hiện tỉ lệ lấp đầy đạt 84% trên tổng số 1.936 hộ cố định; có 314 sạp không kinh doanh do cơ sở hạ tầng xuống cấp và hộ tự chuyển về nhà kinh doanh theo hình thức online.

Tuy là chợ trung tâm thành phố, quy mô hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa lớn, nhưng những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của chợ Tuy Hòa tồn tại nhiều hạn chế; trong đó có tình trạng tiểu thương bỏ, sang sạp vì buôn bán ế ẩm, hoặc không bán ở khu vực bên trong chợ mà tràn ra các tuyến đường xung quanh, sân trước của chợ, ảnh hưởng giao thông đô thị, an ninh trật tự.

Ông L.V.N, một người dân sống gần chợ Tuy Hòa bức xúc: Dù biết sống gần chợ phải chấp nhận cảnh ồn ào nhưng nếu người dân mua bán đúng quy định thì không việc gì. Đằng này, cứ sáng, chiều, họ tập trung bán ngoài đường, nào là nước cá, rác thải từ rau củ, rồi xe cộ đi lại đông đúc... rất mất trật tự.

Theo ghi nhận của phóng viên, cơ sở hạ tầng của chợ Tuy Hòa xuống cấp, có thể bị dột, tràn nước vào mùa mưa; có khu nước thải bị ứ đọng, bốc mùi hôi thối. Bà N.T.T, tiểu thương hàng lagim chia sẻ: Khi bùng phát dịch COVID-19, chúng tôi mang khẩu trang đề phòng lây nhiễm, nhưng hiện tại mang khẩu trang vì chịu không nổi mùi hôi từ cống thoát nước.

Nói đến việc kinh doanh ế ẩm, bà N.T.H, tiểu thương bán mỹ phẩm ở chợ Tuy Hòa cho rằng, vì người dân có thể mua hàng online và thuận tiện hơn khi mua ở các cửa tiệm trên đường phố nên ít vào chợ. Mỗi ngày ra chợ, khu hàng của bà luôn im ắng vì ít tiểu thương mở hàng, điện cũng tối om, vệ sinh không sạch sẽ như trước. Do không bán được hàng nên tiểu thương không muốn ra chợ, phải nợ tiền thuế, mặt bằng hàng tháng.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hòa, Phó Trưởng phòng Quản lý chợ Tuy Hòa (Trung tâm Dịch vụ công ích TP Tuy Hòa) cho biết: Gần 30 tiểu thương tự ý cơi nới diện tích ở sân trước chợ để bày biện hàng hóa đã được chúng tôi nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng liên tục tái diễn làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND phường 4, lực lượng công an, quản lý đô thị, trật tự trên địa bàn xử lý các trường hợp này, kể cả những trường hợp vi phạm về mua bán không đúng nơi quy định ở khu vực xung quanh chợ.

Xây dựng chợ văn hóa, văn minh

Về việc cơ sở hạ tầng chợ xuống cấp, hệ thống nước thải, môi trường… ảnh hưởng đến hoạt động chợ, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Nhằm góp phần tạo mỹ quan đô thị, thúc đẩy trao đổi hàng hóa, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân, HĐND TP Tuy Hòa đã có Nghị quyết 27/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải tạo chợ Tuy Hòa với quy mô: 6 khu nhà lồng có mái che với diện tích khoảng 5.400m2, cải tạo nâng cấp nhà xe, nhà vệ sinh, khu buôn bán ngoài trời và các hạng mục phụ trợ; thay thế, lát vỉa hè các tuyến đường xung quanh chợ... với tổng mức đầu tư 35 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2024.

Dự kiến sau khi chợ được sửa chữa, bộ phận phụ trách quản lý chợ sẽ bố trí, sắp xếp vị trí không để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán tiếp tục xảy ra. Cùng với đó, địa phương sẽ thực hiện một số giải pháp để hoạt động chợ hiệu quả hơn, trong đó bố trí thêm khu vực bán hàng đặc trưng, OCOP, kết nối các dịch vụ... để chợ Tuy Hòa không chỉ là điểm kinh doanh mà còn là điểm tham quan của người dân và du khách.

Với mục tiêu xây dựng TP Tuy Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025, vấn đề đầu tư xây dựng, chỉnh trang lại chợ, có giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh tại chợ Tuy Hòa và hệ thống các chợ khác trên địa bàn là rất cần thiết.

Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, hiện trên địa bàn thành phố có tổng số 14 chợ được phân hạng gồm: 1 chợ hạng 1 (chợ Tuy Hòa), 2 chợ hạng 2 (chợ Phường 7, Tân Hiệp), 9 chợ hạng 3 và 2 chợ tạm. TP Tuy Hòa đã chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho 9/14 chợ, còn 5 chợ chưa tổ chức đấu thầu vì chưa được đầu tư xây dựng chợ. Năm 2020, hợp đồng kinh doanh, khai thác, quản lý của các chợ hết hạn, thành phố đã tổ chức đấu thầu lại 8/9 chợ, còn chợ Phường 7 sẽ thực hiện chuyển đổi vào tháng 1/2024.

Với mục tiêu xây dựng TP Tuy Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025, vấn đề đầu tư xây dựng, chỉnh trang lại chợ, có giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh tại chợ Tuy Hòa và hệ thống các chợ khác trên địa bàn là rất cần thiết.

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/303468/dau-tu-quan-ly-khai-thac-hieu-qua-cho-truyen-thong.html