'Đầu tư sân golf sẽ bùng nổ trong thời gian tới, số lượng sân sẽ tăng bằng lần'
Đây là nhận định đáng chú ý của TS Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tọa đàm 'Đầu tư ngành golf Việt Nam' do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức sáng nay (12/10).
Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, như: TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Huy Tiến, Trưởng bộ môn golf, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội; TS Nguyễn Ngọc Chu, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam; TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hôịTư vấn Tài chính Việt Nam; PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội...
Theo TS Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư sân golf tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ bùng nổ, vì 3 nguyên do chính.
Một là hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đầu tư đối với ngành golf, bởi sau thời gian thuê đất 50 năm thì các nhà đầu tư sẽ được ưu tiên được thuê đất tiếp và đến một thời điểm thích hợp (nếu điều kiện thuận lợi) thì nơi đây sẽ biến thành các khu đô thị, khu công nghiệp. Tiếp theo là hiện giờ thủ tục đầu tư sân golf đã đơn giản hơn, không phải thông qua Thủ tướng hay các bộ nữa. Dự án đã có trong quy hoạch rồi thì sẽ được triển khai. Yếu tố cuối cùng được ông Thành nhắc đến là hiện nay nhu cầu chơi golf đang tăng cao.
TS Ngô Công Thành nhận định: "Tôi cho rằng khả năng tới năm 2030, cả nước có thể đạt tới 400-500 sân golf. Hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có quy hoạch sân golf và lộ trình rất rõ ràng".
Ông Thành dẫn ra một số ví dụ như Quảng Ninh hiện nay đang có 6 sân golf và dự kiến trong 5-7 năm tới, sẽ làm thêm 16 sân golf mới; Hòa Bình đang có 5 sân golf đã có chủ trương phê duyệt và sẽ đầu tư thêm 16 sân nữa trong thời gian tới, như vậy tổng cộng tỉnh này sẽ có tới 21 sân golf.
Hay như tỉnh Hà Nam, tỉnh nhỏ thứ 2 tại Việt Nam với diện tích hơn 860km2 cũng quy hoạch thành lập thêm 3 sân golf mới (loại 36-54 lỗ) và hiện nay họ đang có một sân golf ở Kim Bảng, như vậy tỉnh này sẽ có tổng cộng 4 sân golf.
Một số tỉnh thành khác cũng có quy hoạch xây dựng sân golf như: tỉnh Bắc Giang quy hoạch làm 13 sân golf, Thái Nguyên quy hoạch làm 13 sân golf, tỉnh Hải Dương quy hoạch làm 10 sân golf...
Đồng quan điểm về nhận định này, ông Hoàng Anh Minh – Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance cho biết golf là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng hiện nay. Nhìn từ góc độ đầu tư, toàn quốc đang diễn ra một cuộc đua đầu tư sân golf, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2020 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, theo đó tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý trước đó đối với lĩnh vực này.
Cuộc đua đầu tư đang nóng dần giữa các nhà đầu tư cũng như giữa các địa phương với nhau; và cuộc đua đầu tư sân golf được cộng hưởng bởi những câu chuyện đầu tư khác liên quan đến bất động sản, du lịch, hàng không... Theo dự báo, đến năm 2025, Việt Nam có thể có tới 200 sân golf.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển sân golf hiện nay cũng đang đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi sự hoàn thiện hơn nữa về khung khổ pháp lý cũng như định hướng phát triển.
Golf là một ngành kinh tế
Cũng tại tọa đàm, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: "Golf giờ đây là một ngành kinh tế, bởi mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, có đóng góp phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và càng giúp Việt Nam hội nhập sâu vào quốc tế".
Theo ông Thắng, Chính phủ trước đây đã có hẳn một chính sách về phát triển golf. Chính sách này đã tạo điều kiện cho mấy chục sân golf ở các địa phường ra đời. Cho đến thời điểm hiện tại, một doanh nghiệp có thể sở hữu 3-4 sân golf, thậm chí còn nhiều khu đất để tiếp tục phát triển golf tiếp.
Trong thời gian tới, để phát triển golf thành một ngành kinh tế, ông Thắng cho rằng cần có một nhận thức mới, một hành động mới trong việc đầu tư cũng như phát triển sân gofl.
"Nhà nước cần có tầm nhìn lớn hơn về quy hoạch để làm sao có một bản đồ golf, để địa phương nào cũng có sân golf, để ai ai cũng muốn chơi golf. Đối với những vùng chưa phát triển, chính quyền cần có chính sách phù hợp hơn; còn với địa phương vùng sâu vùng xa có khách đến nhưng chưa có chính sách về sân golf cũng cần có những thủ tục để tạo thuận lợi nhất", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo nhà báo Phan Thế Hải,hiện tại ngành golf mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế và cơ hội việc làm cho Việt Nam.Những vùng đất nghèo dinh dưỡng khó làm nông nghiệp hoặc khai thác các khía cạnh kinh tế khác thì làm golf rất hiệu quả. Đừng nói golf chỉ dành cho giới nhà giàu. Golf đã làm thay đổi đời sống của nhiều lao động, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn.
“Nhiều người nói chơi golf là môn thể thao đỉnh cao. Nhưng đỉnh cao không phải tự nhận mà được. Đỉnh cao là sự lựa chọn mang tính cộng đồng. Vì sao những người thành đạt không chọn boxing hay cử tạ mà lại chọn golf? Tầng lớp thành đạt, quý tộc, trí thức cũng cần golf vì có không gian để truyền cảm hứng”, ông Hải nói.
Các golfer nước ngoài tới Việt Nam vì thời tiết phù hợp, giao thông thuận lợi và kinh tế phát triển. Hiện không có lý do gì để ngành golf nước ta không phát triển. Những định kiến còn tồn tại sẽ mất đi, cổ vũ cho xu hướng, phát triển và văn minh. Đây sẽ là lĩnh vực mang lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ trong thời gian tới.