Đầu tư tăng khủng, doanh nghiệp Việt vững chân tại Lào
Nhờ tích cực triển khai những chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong năm 2024, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam - Lào được thúc đẩy, đạt nhiều kết quả quan trọng và không ít khó khăn, vướng mắc kéo dài đã được xử lý…
Hợp tác đầu tư Việt - Lào lên tầm cao mới
Điển hình, hợp tác đầu tư song phương Việt Nam - Lào năm qua đã chuyển biến tích cực, nhiều khó khăn, vướng mắc được phối hợp tháo gỡ kịp thời, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được đẩy mạnh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, chế biến sâu...
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, lũy kế đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đầu tư là 5,7 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, nông lâm nghiệp, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, viễn thông, ngân hàng, du lịch… Các doanh nghiệp Việt Nam đã hiện diện, đầu tư tại 17/18 tỉnh, thành phố của Lào.
Đánh giá về các dự án này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, đóng góp ngân sách cho Chính phủ Lào trong 5 năm gần đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm, thực hiện chính sách an sinh xã hội lũy kế đến nay khoảng 160 triệu USD.
Thời gian qua, một số dự án quy mô lớn được tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ như Dự án muối mỏ Kali; Dự án khai thác và chế biến quặng Bô-xít và xây dựng nhà máy sản xuất Alumin; các dự án điện gió Trường Sơn, Savan 1... đã tạo động lực thúc đẩy các dự án khác của Việt Nam đầu tư sang Lào.
Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, một số cơ chế, chính sách mới đã Chính phủ hai nước thống nhất thực hiện, trong đó phải kể đến Hiệp định mua bán than, điện giữa hai nước vừa được ký kết đầu tháng 01/2025. Hiệp định tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước trong thời gian tới; chính sách sử dụng đồng tiền bản tệ hai nước trong mua bán, giao thương bắt đầu được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư hai nước...
Không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, hoạt động thương mại Việt - Lào cũng ghi dấu ấn đậm nét khi tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD năm 2024, tăng 33,9% so với năm 2023. Đặc biệt, Lào đã xuất siêu sang Việt Nam 732,7 triệu USD và điều đáng lưu ý là trong kết quả này có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước. Một số dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược, đặc biệt là dự án giao thông kết nối hai nước chậm được triển khai thực hiện do khó khăn về cơ chế, chính sách và nguồn vốn.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô của Lào chưa ổn định, chưa tạo được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực tại Lào - vốn đã khan hiếm, nay lại càng khó khăn hơn khi có nhiều người lao động Lào di chuyển sang Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… làm việc.
Vị Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay đang gặp phải hai “nút thắt” cần được khẩn trương tháo gỡ. Một là, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn…. Hai là, đối với các doanh nghiệp mới, chưa đầu tư, Chính phủ Lào phải có định hướng mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo thêm không gian và dư địa phát triển cho doanh nghiệp.
“Đặc biệt, Lào cần phải cải cách mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế và cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết để giải phóng nguồn lực thúc đẩy đầu tư phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 là năm bứt phá để thực hiện thành công các nội dung đã đề ra trong Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025; đồng thời cũng là năm xây dựng định hướng hợp tác mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Kỳ vọng bứt phá trong những năm tới
Để đưa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, các chuyên gia nhấn mạnh, cần tập trung thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vực như nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở các hồ chưa tại Lào hiệu quả cao gắn với chế biến để xuất khẩu; năng lượng, hướng tới năng lượng sạch, đặc biệt tại khu vực biên giới hai nước; khai thác khoáng sản chế biến sâu; du lịch sinh thái theo hướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào.
Tiếp tục thúc đẩy có hiệu quả cơ chế hợp tác đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào. Theo đó, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… tham dự để thu hút đầu tư vào Lào.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào sẽ lĩnh hội chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để cùng các Bộ, ngành, địa phương hai nước tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đưa ra đề xuất cụ thể với phía Lào, đại diện phía Việt Nam đề nghị Lào cần ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam - Lào. Tham vấn hai bên xem xét các dự án hợp tác dọc biên giới hai nước cho doanh nghiệp nước thứ ba.
Đồng thời, hai bên cần phối hợp tích cực để nghiên cứu khảo sát, xem xét khả năng xây dựng các cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hoặc hình thức phù hợp về hợp tác thương mại và công nghiệp dọc tuyến biên giới nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Lào sang Việt Nam; khuyến khích nhà đầu tư Việt Nam và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sang đầu tư tại Lào.
Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại với mục tiêu tăng từ 10-15%/năm thông qua công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đang tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm như: Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1,2,3 cảng Vũng Áng, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng. Bên cạnh sự nỗ lực của hai Chính phủ, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp hai nước.
Nêu khuyến nghị cụ thể với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia kế hoạch kết nối hai nền kinh tế và tiến trình giúp Lào có biển, có cảng riêng, kết nối hệ thống đường bộ, đường sắt để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Các chuyên gia cho rằng, để đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư, các cơ quan của Lào cần ưu tiên thực hiện các giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Cùng với việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến đầu tư, thuế, thương mại, tỷ lệ lao động, chính sách tín dụng…; cần tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu thiết bị, hàng hóa, kế toán kiểm toán, tô nhượng đất đai; sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành các vùng, khu vực phát triển nông nghiệp quy mô lớn./.