Nhặt 'sạn' để giữ thương hiệu nông sản Việt, vững mục tiêu xuất khẩu
Thời gian qua, tình trạng một số nông sản không đảm bảo an toàn thực phẩm lọt lưới kiểm dịch đưa đến tay người tiêu dùng, thậm chí xuất khẩu ra thị trường đã gióng lên hồi chuông đáng báo động. Theo các chuyên gia, tình trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ gây tổn hại lâu dài đến thương hiệu nông sản Việt, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2025.
Rủi ro bủa vây khi nông sản không đảm bảo an toàn...
Vừa qua, vụ việc một cơ sở sản xuất dùng chất cấm để sản xuất giá đỗ ở Đắk Lắk bán ra thị trường đã gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Tại buổi họp báo cáo cập nhật thông tin vụ việc phát hiện và khởi tố một số cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm ngoài danh mục được phép sử dụng do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức chiều 15/01, Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương - cho biết, ngay sau khi có phản ánh về sự việc, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cùng Công an tỉnh Đắk Lắk lấy mẫu tại 6 cơ sở làm giá đỗ và phát hiện nhiều vi phạm.
Vụ việc hiện đã bị Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh đã được yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm giá đỗ nhập từ các đơn vị sai phạm và tiêu hủy. Sở NNPTNT cũng thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã cấp cho đơn vị cấp cấp nguồn sản phẩm có vi phạm.
“Đây là vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ để đưa đến tay người tiêu dùng” - ông Dương cho biết; đồng thời lưu ý, tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ gây ra tác hại đơn, kép khi ảnh hưởng sức khỏe của người dùng, đồng thời làm xấu hình ảnh của nông sản Việt trên thị trường.
Không chỉ bị tuồn ra thị trường trong nước, tình trạng nông sản không đảm bảo an toàn lọt lưới kiểm dịch để xuất khẩu cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay, trong bối cảnh nông sản Việt đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, hình ảnh với khách hàng quốc tế.
Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 9,5 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỷ USD - giá trị đạt mức kỷ lục cho đến nay. Việc đảm bảo an toàn của nông sản là yêu cầu tiên quyết để ngành nông nghiệp thực hiện được mục tiêu xuất khẩu năm 2025.
Mới đây, phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam cảnh báo về việc một số lô hàng sầu riêng, mít không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Dù không phải phổ biến, nhưng vụ việc cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, nếu không được chấn chỉnh kịp thời.
Bởi, chỉ tính riêng trong năm 2024, nhiều lô sầu riêng của Việt Nam nhiễm cadimi (một chất gây hại cho sức khỏe) buộc phía Trung Quốc phải trả về. Việc này cũng khiến cho nhiều thời điểm giá sầu riêng Việt Nam giảm mạnh.
Ngay sau sự việc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát đi thông báo khẩn, đề nghị làm rõ tình trạng một số đối tượng gian lận, sao chép mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Các đối tượng này đã sử dụng hợp đồng ủy quyền giả, con dấu và chữ ký giả để lừa đảo doanh nghiệp và qua mặt cơ quan chức năng, nhằm trục lợi và xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc.
Từ ngày 08/01/2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% cho đến khi nào mặt hàng này không còn vi phạm. Quyết định này được đưa ra sau khi EU phát hiện tồn dư nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu trong một số lô hàng nhập từ Việt Nam trước đó.
Tăng cường kiểm soát chuỗi sản xuất và phân phối sản phẩm
Liên tục bùng nổ về giá trị xuất khẩu, cũng như số lượng sản phẩm đến với thị trường, nông sản Việt đang ở vào thời khắc có tính chất đột phá, khi khẳng định thương hiệu, uy tín với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đứng trước ngưỡng cửa “nâng hạng”, việc còn để xảy ra tình trạng lọt sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ khiến nông sản Việt gặp khó để tiến sâu vào các thị trường lớn, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt.
Dẫn chứng từ quả sầu riêng - sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu hơn 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, người sản xuất, doanh nghiệp phải thực sự thận trọng trước mọi hành động với mặt hàng này, tránh để thiệt hại không đáng có.
“Nông sản không đảm bảo an toàn sẽ để lại dấu ấn không tốt và tạo hiệu ứng dây chuyền dẫn đến nguy cơ nhiều nước hạn chế mua nông sản Việt, nếu tình trạng vi phạm như vừa qua không được khắc phục kịp thời” - ông Đặng Phúc Nguyên lưu ý; đồng thời đề nghị cần có cơ chế giám sát chặt chẽ với mặt hàng này trước khi xuất khẩu, trong đó phân định rõ trách nhiệm và chế tài đối với các bên vi phạm.
“Bộ NNPTNT cần có quy định rõ ràng và thống nhất về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, tránh tình trạng phân tán như hiện nay” - ông Nguyên kiến nghị.
Có chung quan điểm, ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, việc giám sát và kiểm tra đầu vào tại các chuỗi phân phối vẫn còn nhiều lỗ hổng, với sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan.
Tuy nhiên, nguồn lực của các cơ quan Trung ương, địa phương hiện nay chưa thể kiểm tra, giám sát được hết các cơ sở thuộc diện phạm vi quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu thực hiện việc hậu kiểm, nhưng với nguồn lực hiện tại thì không thể đảm bảo được hiệu quả giám sát 100%.
Để kiểm soát tình trạng này, Cục đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số. Các cơ sở không tuân thủ quy định sẽ bị tạm dừng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các vi phạm vừa qua chủ yếu do một số ít cơ sở thiếu ý thức, thậm chí cố tình vi phạm để trục lợi. "Chỉ vì một vài trường hợp làm xấu mà ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp, người sản xuất chân chính, xa hơn là thương hiệu nông sản Việt" - một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết; đồng thời đề nghị cần quy định trách nhiệm của các vùng trồng và cơ sở đóng gói trong việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc như điều kiện bắt buộc để cấp và duy trì mã số.
Nhấn mạnh mỗi mặt hàng nông sản khi đưa ra thị trường, đặc biệt là khi xuất khẩu sẽ đại diện cho thương hiệu, uy tín của địa phương, của quốc gia, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để chấn chỉnh ngay tình trạng vi phạm vừa qua. Trong đó, các bên cần rà soát, tìm ra lỗ hổng trong quy định pháp luật, lỗ hổng trong cơ chế phối hợp giám sát, dẫn đến lọt sản phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng hay xuất khẩu.
Để đảm bảo an toàn của nông sản trước khi xuất khẩu, cần xem xét tăng tần suất lấy mẫu so với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở để xảy ra vi phạm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) khuyến nghị, trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác, cơ sở sản xuất phải nắm chắc được những hoạt chất trong danh sách cấm của EU và các thị trường.
"Với những hoạt chất cho phép, bà con tuyệt đối tuân thủ đúng và phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật” - ông Nam lưu ý.
Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, Bộ NNPTNT cũng tích cực vào cuộc cùng doanh nghiệp, nhưng trên tinh thần hỗ trợ, ủng hộ các doanh nghiệp làm đúng để cùng thuyết phục các nước đặt niềm tin ở nông sản Việt.
“Thực tế thời gian qua, sau khi bị cảnh báo, các doanh nghiệp đã chú ý hơn và Bộ NNPTNT cũng tích cực vào cuộc thuyết phục nên số lượng sản phẩm bị cảnh báo đã giảm; nhiều nông sản đã được đưa ra khỏi danh mục bị kiểm soát” - ông Phong cho biết.
Hiện, Bộ NNPTNT vẫn đang triển khai kế hoạch chủ động đề xuất với EU giảm tần suất kiểm soát với một số mặt hàng dựa trên kết quả kiểm soát dư lượng trong nước, tháo gỡ khó khăn và mở đường nông sản Việt chinh phục thị trường lớn này.