Đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cần 'đầu tàu' dẫn dắt

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần có sự tham gia của các tập đoàn, đặc biệt là các 'đầu tàu' dẫn dắt.

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Ảnh: I.N.T.

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Ảnh: I.N.T.

Nông nghiệp 5.0 là gì?

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm, nếu công nghệ 4.0 mang tới trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối… khuyến khích sự tương tác giữa các vật với nhau, giữa các máy với nhau thì công nghệ 5.0 nhấn mạnh yếu tố con người, con người tương tác và làm chủ AI do chính mình tạo ra.

“AI sẽ là phương tiện để giải quyết những thách thức trong cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Với nông nghiệp, mục tiêu là giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững” - ông Quất nói.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đánh giá, sự dịch chuyển và ứng dụng của công nghệ 5.0 cần có các tập đoàn lớn dẫn dắt bởi đó chính là đối tượng đặt hàng và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực.

“Chia sẻ từ các tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực là vô cùng quan trọng vì họ là những người đi cùng người nông dân để tạo ra những hiệu quả thực tế. Chúng ta đang thiếu những đầu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực chiến lược để tạo ra sự cạnh tranh” - ông Quất nhận định.

Nói về những lợi ích của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho hay, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập đoàn đã đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp bằng cách ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau, kết hợp với trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt, tìm ra chiếc “chìa khóa vàng” mở bung những sức mạnh tiềm tàng của nông nghiệp Việt. “Nay trước làn sóng công nghệ 5.0, hai vấn đề cốt lõi nhất mà TH tập trung vào là con người và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn” - ông Hải cho biết.

Với kinh nghiệm là một “đầu tàu”, tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn TH cho rằng nếu làn sóng 4.0 mang lại nhiều công cụ, như AI, dữ liệu lớn hay trợ lý ảo, thì 5.0 chú trọng vào việc tương tác giữa con người và máy móc, đòi hỏi con người sử dụng hiệu quả các công cụ đó.

Còn ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng, Thaco Agri cần đáp ứng việc tích hợp tuần hoàn là cốt lõi của sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất trồng trọt hay chăn nuôi đều phải triển khai đồng bộ về xây dựng, cơ giới, công nghiệp, đầu tư, nhân sự, bộ máy...

Tăng cường liên kết với cơ chế đủ mạnh

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho rằng, cả hai mảng nông nghiệp xanh và nông nghiệp hiện đại đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân và DN. Trong đó chủ lực là các tập đoàn, DN ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các DN đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường. Gắn bó xung quanh hạt nhân này là các DN vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Kế tiếp là các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.

Lãnh đạo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần có sự tham gia của các tập đoàn, đặc biệt là các “đầu tàu” dẫn dắt trong nông nghiệp để giúp chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệp, kiến thức, cho các DN trong ngành…

Theo giới chuyên gia kinh tế, các DN cần tăng cường bắt tay nhau, hợp tác liên kết chặt chẽ và bền vững thông qua các mô hình điểm, mô hình dẫn dắt, mô hình có hiệu quả cao. Nhưng đồng thời, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Bởi các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho rằng, cả hai mảng nông nghiệp xanh và nông nghiệp hiện đại đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân và DN. Trong đó chủ lực là các tập đoàn, DN ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dau-tu-vao-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-can-dau-tau-dan-dat-10287471.html