Đầu tư xây cầu Đakrông mới trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây

Trước thực tế xe tải nặng vận chuyển hàng hóa qua đường Hồ Chí Minh (HCM) nhánh Tây tăng đột biến, tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng cầu Đakrông mới bằng bê tông cốt thép, tải trọng HL93 để khai thác đồng bộ tải trọng trên huyết mạch quan trọng này.

Ngày 4/6, ông Lê Đức Tiến-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về việc đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép nhằm đảm bảo an toàn cầu treo Đakrông trên tuyến đường HCM nhánh Tây đi qua tỉnh này.

Cùng với công tác kiểm định, đánh giá khả năng chịu tải của cầu treo Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây sau khi phát hiện sự cố hư hỏng và bố trí kinh phí sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Cầu treo Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây. Ảnh: D.Lợi

Cầu treo Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây. Ảnh: D.Lợi

UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT, Cục ĐBVN nghiên cứu, đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, tải trọng HL93 để khai thác đồng bộ tải trọng cùng với tuyến đường HCM nhánh Tây, đáp ứng khả năng lưu thông của các phương tiện vận tải nặng vận chuyển than đá cũng như hàng hóa từ Lào về các cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và khu vực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng.

“Thời gian qua, hoạt động vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) La Lay tăng cao, phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu này tăng đột biến, với 300-400 xe/ngày, lưu thông theo Quốc lộ 15D-đường HCM nhánh Tây-Quốc lộ 9 để đến các cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và khu vực”, ông Lê Đức Tiến nói.

Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cho thấy, với trữ lượng than đá tại 2 tỉnh Sekong và Salavan (Lào), cách CKQT La Lay khoảng 120 km là rất lớn, nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển ước tính khoảng 30 triệu tấn/năm. Dự báo thời gian tới, số lượng phương tiện vận chuyển qua CKQT La Lay, lưu thông trên các tuyến đường khu vực, trong đó có cầu Đakrông sẽ tăng cao.

Theo Khu Quản lý Đường bộ II (Cục ĐBVN), cầu Đakrông được thiết kế bằng thép và bê tông cốt thép, đưa vào khai thác sử dụng năm 2002. Đây là cầu dây văng gồm có 1 trụ tháp, tải trọng thiết kế H18-X60.

Tháng 10/2022, cầu được kiểm định với kết luận, cầu không khai thác được với tải trọng HL93 và kiến nghị cắm biển hạn chế tải trọng đối với cầu yếu. Căn cứ vào kết quả kiểm định, cầu Đakrông đã được cắm biển hạn chế tải trọng bằng cụm biển báo "cấm ô tô tải", biển phụ với các thông số xe thân liền 22 tấn, sơ-mi rơ-moóc 32 tấn, xe rơ-moóc 32 tấn.

Lực lượng chức năng đang ứng trực kiểm soát xe tải nặng qua cầu treo Đakrông từng chiếc một. Ảnh: D.Lợi.

Lực lượng chức năng đang ứng trực kiểm soát xe tải nặng qua cầu treo Đakrông từng chiếc một. Ảnh: D.Lợi.

Thực tế từ tháng 4/2023 đến nay, cầu Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây gánh lưu lượng xe tải trọng lớn tăng đột biến, đặc biệt là xe chở than từ Lào thông quan từ CKQT La Lay đi qua đường HCM nhánh Tây ra Quốc lộ 9.

Mới đây, qua kiểm tra, các đơn vị chức năng phát hiện mặt cầu Đakrông tại nhịp số 4 xuất hiện nhiều vết nứt. Cáp dây văng ngoài cùng về phía Nam trên nhịp số 3 bị giãn dài lúc có xe tải nặng chạy qua.

Cơ quan chức năng gắn bảng cảnh báo "Cầu Đakrông bị sự cố, nguy cơ sập cầu".

Cơ quan chức năng gắn bảng cảnh báo "Cầu Đakrông bị sự cố, nguy cơ sập cầu".

Cùng với công tác kiểm định cầu, hiện cơ quan quản lý đường bộ đang bố trí barie tạm thời, tổ chức trực gác để điều tiết các phương tiện xe tải nặng qua cầu, cũng như tiến hành lắp đặt hệ thống camera theo dõi việc chấp hành hiệu lực biển báo của các phương tiện khi qua cầu để gửi các lực lượng chức năng xem xét xử lý.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-tu-xay-cau-dakrong-moi-tren-duong-ho-chi-minh-nhanh-tay-post1643289.tpo