Đầu tư xây mới, nâng cấp chợ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay, phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng, song do nguồn vốn có hạn, việc đầu tư các hạng mục công trình của chợ chưa được chú trọng, quy mô nhỏ; đồng thời nhiều công trình chưa được thường xuyên duy tu, bị xuống cấp. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ cũ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới là rất cần thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại của người dân.

Chợ Vĩnh Yên được đầu tư xây mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân. Ảnh: Chu Kiều
Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 87 chợ (77 chợ đang hoạt động, 10 chợ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả), trong đó, 5 chợ hạng I; 6 chợ hạng II; 76 chợ hạng III; 83 chợ được đầu tư từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước và 4 chợ được đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách - đây là nơi kinh doanh mua, bán truyền thống lâu đời của người dân.
Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, việc đầu tư các hạng mục công trình của chợ chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, quy mô nhỏ, hầu hết chỉ làm đủ các hạng mục theo tiêu chí để được công nhận. Mặt khác, khi xây dựng xong, đưa vào khai thác sử dụng, nhiều chợ không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên... vì vậy, hầu hết các công trình nhanh xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Cụ thể hóa các nội dung được quy định tại Điều 5, Nghị định số 60 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, UBND các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ cũ phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng chợ để đáp ứng các yêu cầu quy định về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và văn minh thương mại; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ.
Sở Công thương đang dự thảo kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chú trọng tính bền vững và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, du khách.
Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng dân cư trong đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ; nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc quy hoạch, xây dựng và quản lý chợ, bảo đảm tính pháp lý và minh bạch trong các hoạt động thương mại tại chợ.
Trên cơ sở đó, các địa phương cần khai thác, lồng ghép các nguồn hỗ trợ và chính sách ưu đãi từ các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển chợ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ quản lý chợ và các tiểu thương kinh doanh tại chợ về kỹ năng quản lý, ứng xử văn minh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự nhằm nâng cao ý thức và khả năng xử lý tình huống khẩn cấp của lực lượng tại chỗ.
Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc kinh doanh tại các chợ hợp pháp, xây dựng nếp sống văn minh tại chợ, vận động người dân và tiểu thương chấp hành nghiêm các quy định về phát triển và quản lý chợ.
Khuyến khích các chợ áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt, quảng bá sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và phục vụ khách hàng tốt hơn. Xây dựng các ứng dụng trực tuyến giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và thông tin về chợ, mở rộng khả năng tiếp cận cho người dân và du khách.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chợ trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chợ tại các địa phương hiện nay; đồng thời tạo bước chuyển quan trọng để các chợ phát triển tương xứng với nhu cầu tiêu dùng mới, văn minh, hiện đại của người dân.