Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

Ba tôi vốn không giỏi nấu ăn, nhưng vào ngày đầu năm mới ông đều sẽ vào bếp nấu cho cả nhà món chè kia chứ.

 Chè kia chứ, một món ăn truyền thống vào dịp lễ, tết của người Hoa gốc Triều Châu

Chè kia chứ, một món ăn truyền thống vào dịp lễ, tết của người Hoa gốc Triều Châu

Chè kia chứ là một món ăn truyền thống vào dịp lễ, tết của người Hoa gốc Triều Châu, mang theo ý nghĩa may mắn và đoàn viên. Nguyên liệu cho chè rất đơn giản, chỉ gồm có đường phèn, kia chứ và chừ ỷ. Kia chứ hay còn gọi là khoai gừng, khoai chúc… là một loại củ gần giống khoai từ chỉ xuất hiện vào dịp đầu xuân. Chừ ỷ hay còn gọi là ỷ nhìn tựa như viên bột báng của người Việt nhưng có kích cỡ to hơn và được làm bằng bột khoai lang.

Cách nấu món chè này cũng không cầu kỳ. Kia chứ gọt vỏ, thái lát mỏng. Nấu nước sôi, cho đường phèn vào. Khi đường tan thì mới cho khoai vào. Tầm vài ba phút là khoai chín. Cuối cùng, thêm bột báng là đã có ngay nồi chè thanh mát. Khoai vừa chín tới vẫn còn giữ độ dẻo. Bột báng chuyển sang trong suốt. Đâu đó điểm xuyết vài viên bột báng màu đỏ, là màu mà người Hoa tin sẽ mang lại may mắn cho năm mới.

Ba tôi kể, món chè này bà nội dạy cho ba, là mong ngóng suốt một năm của những đứa trẻ nhà nghèo lúc nào cũng thèm đồ ngọt. Ngày đó, đường còn mắc lắm. Bánh mứt ngày tết, ông và các anh chị em đều không dám mơ tới. Mọi người chỉ trông chờ chén chè kia chứ đầu năm mà bà nội tôi sẽ nấu cho.

Ba tôi còn nói bà nội chưa bao giờ đủ đường để nấu cho nồi chè ngọt đậm. Nước chè chỉ hơi ngọt. Nhưng đối với mấy anh em của ba thì như vậy đã hạnh phúc lắm rồi. Những chén chè ngọt ngào suốt thời ấu thơ của ba tôi.

Theo thời gian cùng nhịp sống hiện đại, gia đình tôi như dần bớt đi một vài truyền thống cũ, thói quen xưa… Chỉ trừ chén chè kia chứ đầu năm.

Chè sau khi nấu xong, ba tôi sẽ cẩn thận dâng lên các đấng bề trên và gia tiên. Lúc nào đến trước di ảnh của bà nội, ông đều rưng rưng xúc động.

Ông nói với tôi: “Con có biết việc ân hận nhất của một đời người là gì không? Chính là khi ta đã đủ khả năng lo lắng cho người ta yêu thương thì người ấy không còn nữa.”

Tôi biết ba tôi vẫn ước ao được một lần tận tay nấu một chén chè kia chứ để cho bà nội ăn thử. Tiếc là thời gian đã không cho phép điều đó.

Vì vậy, ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào.

Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

CÁT VŨ

Quận 6, TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-xuan-an-che-kia-chu-post726623.html