Dạy con nói lời yêu thương: Lợi ích khi trẻ biết thể hiện tình cảm
Yêu thương là một loại tình cảm đặc biệt, giúp cả người trưởng thành và trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Nhờ cảm xúc này, trẻ sẽ biết yêu bản thân, mọi người, biết vâng lời và giúp đỡ một vài công việc phù hợp với khả năng của bé.
Để khuyến khích trẻ thể hiện tình yêu thương với mọi người, trước hết, cha mẹ cần là những tấm gương. Phụ huynh nên thường xuyên nói lời yêu thương và có những hành động thể hiện điều đó với trẻ.
Giúp trẻ từng bước thể hiện cảm xúc
Với trẻ còn nhỏ, yêu thương được thể hiện bằng cử chỉ, lời nói, hành động một cách gần gũi thân thiện với những người thân yêu của mình. Hay yêu thương chỉ đơn giản là nụ cười, ánh mắt trìu mến, cái ôm, cái thơm, nũng nịu của trẻ. Yêu thương là trẻ cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc, vỗ về,… từ mẹ, cô giáo, hoặc những người thân xung quanh. Yêu thương là nền tảng để sau này khi trẻ trưởng thành sẽ là người có nhân cách, đạo đức, phẩm chất tốt.
Thực tế, có rất nhiều cách khác nhau để thể hiện yêu thương. Ở trường mầm non, các bé thường được dạy thể hiện tình cảm, yêu thương qua những hoạt động trong ngày, như: Chào/tạm biệt cha mẹ, cô giáo, chơi tập có chủ định, chơi trong lớp, dạo chơi ngoài trời, ăn, ngủ... Trong khi đó, ở nhà, cũng có nhiều cách để cha mẹ và trẻ thể hiện tình yêu thương.
Chị Đỗ Thị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi mới sinh con đầu, bao nhiêu thời gian, tâm huyết chị Hương dồn cả vào chăm sóc, dạy bảo con. Từng hành động mới của con, hay những thay đổi, dù là nhỏ nhất, chị cũng ghi vào nhật ký và lưu giữ làm kỷ niệm.
Chị Hương giữ từ bức tranh đầu tiên con vẽ, tấm thiệp đầu tiên con tặng mẹ, đến chiếc răng sữa đầu tiên bé thay… Tuy nhiên, sau khi sinh bé tiếp theo, chị không còn thời gian để chăm chút những việc nhỏ như vậy nữa.
Con gái thứ 2 khá tình cảm, ban đầu bé cũng thích vẽ, thích làm những đồ chơi nho nhỏ tặng mẹ. Song, vì quá bận, chị Hương không lưu trữ được những món đồ con làm. Không những thế, đôi khi, chị còn để tạm tấm thiệp lên giá sách, một thời gian sau vô tình rơi xuống, thế là con lại giận dỗi, nói mẹ không thích đồ con tặng. Dần dà, bé không còn hào hứng với các hoạt động này nữa.
“Khi nhận ra điều đó, tôi đã tự tìm cách cân bằng, sắp xếp thời gian giữa gia đình và công việc. Tôi chú trọng hơn tới cách thể hiện tình cảm với con. Tôi cũng để ý hơn về cách mình ứng xử trước những hành động của con. Dần dà, các con mở lòng hơn với mẹ và thường xuyên thể hiện tình cảm”, chị Thu Hương chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc trẻ biết cách thể hiện tình cảm sẽ mang lại những điều tích cực và lợi ích quan trọng như: Tăng sự gắn kết giữa thành viên trong gia đình, ít mâu thuẫn, xung đột hơn. Nếu con biết thể hiện quan tâm, yêu thương bằng việc ôm khi phụ huynh đi làm về, hỏi thăm, rót nước, nấu cơm hoặc đơn giản là một lời động viên thì cha mẹ nào cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Bên cạnh đó, khi biết cách thể hiện tình cảm, cảm xúc, trẻ sẽ tránh được những tổn thương tâm lý do ức chế, rối loạn cảm xúc gây ra. Đồng thời, có động lực, tinh thần tốt để tập trung vào việc học và phát triển bản thân.
Biết quan tâm và thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình cũng là cơ sở để trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân - gia đình hạnh phúc trong tương lai. Bởi, nền tảng gia đình dựa trên sự chia sẻ, quan tâm, thấu hiểu.
Một số nghiên cứu về sự phát triển về trí tuệ cảm xúc của con người cho thấy, khoảng 2 - 3 tháng tuổi, trẻ đã biết bộc lộ cảm xúc (cười). Giai đoạn từ 1 - 6 tuổi là lúc trẻ dễ thể hiện cảm xúc với mọi người nhất. Ở giai đoạn này, cảm xúc của trẻ gần như được bộc lộ một cách dễ dàng và tự nhiên.
Tuy nhiên, càng lớn, trẻ càng ngại thể hiện tình cảm vì muốn khẳng định sự trưởng thành, tự lập… Khi đó, cha mẹ cần thể hiện tình cảm với con hằng ngày thông qua lời nói, cử chỉ và những hành động thể hiện sự quan tâm. Trẻ càng ngại thì cha mẹ càng phải cố gắng, lặp đi lặp lại thành thói quen tôn trọng, bớt đòi hỏi, yêu cầu với con.
Giáo dục con bằng lời nói nhẹ nhàng
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TPHCM), có rất nhiều cảm xúc mà con người có thể trải nghiệm. Tuy nhiên, đôi khi, có những cảm xúc không biết phải diễn đạt như thế nào.
Với trẻ em lại càng khó để bé nói những gì mình cảm thấy. Bởi, có thể, trẻ không biết cách đặt tên cho cảm xúc mà mình đang trải qua. Không ít phụ huynh đặt câu hỏi: Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ thể hiện cảm xúc?
Với trẻ ở tuổi mầm non, cha mẹ có thể giúp con bày tỏ những cảm xúc cơ bản như vui, buồn, giận và sợ hãi. Sau đó, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ bày tỏ đến những cảm xúc phức tạp hơn, như: Lo lắng, khó chịu, thất vọng,…
“Có nhiều cách để cha mẹ dạy trẻ nhận biết cảm xúc. Cha mẹ có thể đọc truyện, đặt câu hỏi và thảo luận với trẻ về những cảm xúc mà nhân vật trải qua và giải thích nguyên nhân vì sao. Điều quan trọng là cảm xúc của trẻ về các nhân vật và có thể giải thích vì sao trẻ có những cảm nhận đó. Việc nói đến cảm xúc của người khác sẽ giúp trẻ dễ dàng đồng cảm. Trẻ sẽ cảm nhận rằng, người khác cũng có cảm xúc. Nếu trẻ biết rằng, việc đánh cha/mẹ sẽ làm cho cha/mẹ đau và buồn thì bé ít có khả năng làm điều này hơn”, chuyên gia Mỹ Dung cho biết.
Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể dạy trẻ thể hiện cảm xúc qua bài hát hay thẻ hình. Bởi, ở độ tuổi này, trẻ ghi nhận qua âm thanh, hình ảnh rất tốt. Cha mẹ hãy giúp trẻ sử dụng các từ cảm xúc trong vốn từ vựng hằng ngày của bé. Làm mẫu cách thể hiện cảm xúc bằng việc nắm bắt cơ hội để chia sẻ cảm xúc của cha/mẹ như: “Cha buồn khi con xô ngã em xuống đất. Cha đoán là em ấy rất buồn”.
Cha mẹ cũng có thể chia sẻ, trao đổi những cảm nhận của trẻ về các cảm xúc thông qua hoạt động hằng ngày từ nhà đến trường. Ví dụ: “Có vẻ như con đang buồn vì không có ai chơi với con?”; “Có vẻ là hôm nay con rất vui/ rất là hạnh phúc”; “Hình như con đang thất vọng khi chơi trò chơi này?”; “Hôm nay con cảm thấy thế nào?”...
Chuyên gia cho biết, trẻ luôn dõi theo, quan sát những hành vi, cảm xúc của cha mẹ. Nếu trẻ thấy cha mẹ thể hiện cảm xúc tích cực, theo thời gian, bé sẽ học theo cách của phụ huynh. Tuy nhiên, nếu trẻ thấy cha mẹ la hét, ném đồ đạc khi buồn bã, giận dữ,… thì nhiều khả năng là bé sẽ học theo.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành chia sẻ, dạy con bằng cách truyền đạt lời yêu thương là một phương pháp quan trọng để nuôi dưỡng tình cảm và sự phát triển của trẻ. Thay vì sử dụng lời lẽ khắc nghiệt và chỉ trích, cha mẹ có thể thể hiện tình yêu và sự quan tâm bằng cách diễn đạt những lời yêu thương chân thành.
Phụ huynh nên áp dụng phương pháp giáo dục con bằng lời nói nhẹ nhàng, yêu thương. Đó là cách để trẻ trở nên tự tin, sống tình cảm hơn. Một số phụ huynh dạy con với quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Trẻ thường bị áp đặt phải làm điều gì, phải trở thành người như thế nào theo định hướng của cha mẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, việc sử dụng đòn roi trở nên “phản tác dụng”, chỉ thỏa mãn được yêu cầu của phụ huynh nhưng lại khiến trẻ trở nên “cứng đầu”, khó bảo.
Bởi thế, nhiều phụ huynh đã lựa chọn nuôi dạy, khích lệ và bồi dưỡng sự tự tin cho con bằng cách sử dụng ái ngữ, lời nói yêu thương, nhẹ nhàng. Trẻ sẽ tiến bộ và phát triển tốt nếu được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục đầy ắp yêu thương và tôn trọng.
“Mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn trong mình những khả năng to lớn. Điều quan trọng hơn hết là các cha mẹ cần biết cách khơi gợi và gửi gắm sự tin tưởng để con tỏa sáng đúng lúc. Nếu cha mẹ thể hiện sự vui mừng, hạnh phúc với mỗi dấu mốc phát triển của con thì bản thân đứa trẻ sẽ cảm thấy mình thật quan trọng và đặc biệt trong mắt cha mẹ”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần lồng ghép khéo léo điều mình kỳ vọng vào những phẩm chất của con trong cách khen ngợi trẻ. Ví dụ, muốn con gọn gàng, ngăn nắp, hãy nói với trẻ rằng: “Cha/mẹ hy vọng khi học bài xong con sẽ dọn lại bàn học”.
Phụ huynh nên ghi nhận khi trẻ chủ động làm điều đó. Những lời khen cụ thể về việc con đã làm sẽ giúp trẻ biết được điều gì là đúng đắn, nên làm. Sự ghi nhận ấy giúp trẻ có động lực để duy trì thói quen tốt.
Thay vì yêu cầu hay ra lệnh cho trẻ bằng những câu nói nghiêm nghị và đầy uy quyền, phụ huynh có thể thử nói: “Cha/mẹ muốn con làm việc này”. Cách nói này làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn so với việc nghe những cụm từ tiêu cực và mang tính ép buộc. Với mỗi việc con làm, cha mẹ nên thể hiện sự trân trọng và ghi nhận bằng cách lưu lại mọi thứ vào những cuốn album, nhật ký, rồi sau đó vài năm đọc lại cho trẻ nghe.
“Việc giáo dục con bằng cách làm bạn và hướng dẫn con từ những điều gần gũi nhất sẽ giúp trẻ có sự linh hoạt, đặc biệt là trong giao tiếp, ứng xử với mọi người. Được lớn lên trong môi trường hạnh phúc, đứa trẻ cũng sẽ sớm bộc lộ khả năng của bản thân. Đừng ra lệnh và buộc con phải tuân theo, hãy khuyên răn nhẹ nhàng, thủ thỉ cùng con như một người bạn. Cha mẹ cũng nên thường xuyên thể hiện tình cảm với con thông qua những cái ôm. Vì những cái ôm sẽ có khả năng chữa lành rất tốt, cũng như giúp cha mẹ và con kết nối tốt hơn”, chuyên gia gợi ý.