Dạy con tránh xa bạo lực: Cần phương pháp kỷ luật tích cực
Dạy con là quá trình cần sự kiên nhẫn, bền bỉ, đòi hỏi cha mẹ cần có kiến thức, tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao. Trong hành trình ấy, phương pháp kỷ luật tích cực được đánh giá là mang lại hiệu quả cao.
Trẻ bị đòn roi sẽ có xu hướng bạo lực
Bạo lực học đường vẫn đang được coi là “vấn nạn”. Các nhà tâm lý học cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này đến từ nhiều nguồn song có lẽ một phần không nhỏ nằm ở chính hệ quả của giáo dục gia đình.
Cô Thúy Minh (giáo viên tiểu học) tâm sự: “Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi từng gặp nhiều học sinh rất hay nổi cáu, đánh bạn.
Những học sinh này cũng thường xuyên phản ứng rất thiếu kiểm soát đối với thầy cô giáo mỗi khi không hài lòng một việc gì đó. Sự việc lặp lại nhiều lần khiến việc gây gổ trở thành “thương hiệu” của học sinh.
Qua tìm hiểu, phần lớn trong các trường hợp này các con sống trong điều kiện bố mẹ hay sử dụng đòn roi, quát mắng để giáo dục. Khi tìm được nguyên nhân, việc phối hợp giáo dục học sinh đã được cải thiện rất nhiều”.
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến nhiều bậc cha mẹ khó khăn hơn trong kiên nhẫn dạy con. Tuy nhiên, thiếu kiềm chế của cha mẹ trong chốc lát có thể gây hệ lụy cả đời đối với con trẻ.
Cộc tính, độc đoán, xu hướng dùng vũ lực để giải quyết mọi việc là điều không khó nhận ra ở một đứa trẻ được dạy dỗ bằng đòn roi. Vậy, tại sao cha mẹ không sớm nhìn nhận ra vấn đề để rút kinh nghệm và tránh hậu quả?
Theo chuyên gia Giáo dục toàn cầu của Microsoft – Tô Thụy Diễm Quyên: “Chúng ta hầu như đều đã từng là nạn nhân của bạo hành ngôn ngữ (verbal abuse) mà người bạo hành không ai khác hơn là cha mẹ chúng ta.
Có rất nhiều cha mẹ Việt Nam vẫn còn tin vào lối dạy con "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", mỗi khi con cái phạm lỗi lầm đều đánh đập và mắng chửi rất ác miệng.
Cả một bộ phận không ít phụ huynh được gọi là “có ăn có học” cũng mắc phải sai lầm này. Thay vì trách mắng con để con cái nhận sai mà sửa, họ lại chửi bới, chì chiết đay nghiến thậm chí nguyền rủa con cái mình không tiếc lời với mục đích khiến con mình sợ mà không tái phạm.
“Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình khi việc bạo hành bằng ngôn ngữ và thể chất được xem là bình thường thì bao nhiêu thế hệ người Việt sẽ tiếp nối sai lầm này trong cuộc sống.
Lối giáo dục đó sẽ sản sinh ra những người trưởng thành kém nhạy cảm và thiếu hụt về chỉ số cảm xúc. Điều này góp phần kéo lùi sự phát triển và giảm khả năng thành công của mỗi cá nhân”, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.
Kỷ luật tích cực từ mỗi gia đình
Phương pháp giáo dục hiện đại khuyên các bậc cha mẹ hãy yêu thương, kiên nhẫn và chấp nhận con một cách rộng lượng. Cần chấp nhận tất cả những cái tốt và cả những cái xấu, cái chưa được của con. Từ đó mới biết cách làm bạn với con, giao tiếp và kết nối với con. Rồi sau đó mới là cùng con thay đổi để tốt hơn.
Chỉ khi tâm bình an thì trí mới sáng, việc dạy và rèn con mới có hiệu quả. Nếu cha mẹ suốt ngày cáu con, khó chịu với con, đối đầu với con, không chấp nhận những khuyết điểm của con thì làm sao có thể khiến con tốt lên được. Con trẻ cần được nâng đỡ cảm xúc, được tin tưởng và tôn trọng ngay từ trong gia đình. Điều này giúp trẻ thêm tự tin và tạo động lực phấn đấu, gặt hái thành công.
ThS Đinh Thị Thu Hoài (Trung tâm Giáo dục kỹ năng Inslight) cho rằng: Chúng ta là những người lớn đã được trải nghiệm, học hỏi, thậm chí trả giá rất nhiều bởi những sai lầm của mình mà rồi có những sai lầm vẫn cứ phạm tiếp hết lần này đến lần khác.
Vậy có công bằng không khi ta đòi hỏi ở một đứa trẻ non nớt, tuổi đời tính trên đầu ngón tay làm gì cũng phải đúng, phải tốt ngay. Cha mẹ dạy 1, 2 lần mà chưa làm được chưa làm tốt là bị la, bị ném cho những ánh nhìn chán nản, bị bắn cho những cái thở dài thất vọng và rồi con hoang mang ko biết mình sai chỗ nào, mình phải làm gì để có thể làm cho cha mẹ vui đây?
Những điều này lâu dần sẽ khiến con từ 1 đứa trẻ tràn đầy năng lượng, cái gì cũng muốn cầm, nắm, sờ, cắn... cái gì cũng muốn khám phá, thử làm, muốn làm, cả ngày không dừng hoạt động lúc nào trở thành 1 đứa trẻ uể oải, tự ti, sợ bị sai, sợ bị mắng và không còn muốn làm gì, thử gì nữa. Lúc đó cha mẹ lại càm ràm ko biết nó giống ai mà chả có chí tiến thủ, lúc nào cũng ì ra.
“Các cha mẹ hãy ý thức rằng, con chúng ta không thể tự tốt lên mỗi ngày. Con cần cha mẹ đồng hành, chấp nhận, cho con được quyền sai và kiên trì hướng dẫn cho đến khi con làm được, làm tốt. Bản thân các con không tự thấy được mình cần sửa cái gì, không hiểu mình sai ở đâu vì những ngôn từ con dùng, những hành động con làm con làm đều là học từ những gì mình quan sát, lắng nghe, học hỏi từ những người xung quanh mình mà thôi”, ThS Đinh Thị Thu Hoài nhấn mạnh.
Bởi vậy, trong giáo dục trẻ, đánh mắng là “hạ sách”. Muốn con tốt thì trước hết cha mẹ phải tốt! Nếu chỉ chăm chăm bắt lỗi, sửa con, muốn con thế này, muốn con thế kia, mà mình không thay đổi phương pháp không thay đổi hành vi thì liệu như vậy có đúng không? Có khả thi không? Và có công bằng không?.
Đồng hành cùng con, kỷ luật con bằng tình thương và trách nhiệm sẽ giúp con nhanh tiến bộ. Đòn roi, bạo lực chỉ làm thui chột tâm hồn và kìm hãm phát triển của trẻ mà thôi. Những câu hỏi kiểu như: Sao con vụng về thế? Sao con bừa bộn thế? Sao con nghịch ngợm thế? Sao con khó bảo thế? Sao con hay cáu gắt thế?... chỉ thỏa mãn sự tức giận của cha mẹ ngay lúc nói, chứ không bao giờ nhận được câu trả lời.
Và rõ ràng con không biết phải trả lời cha mẹ thế nào trong tình huống đó. Vậy, hãy ngừng trách mắng hay phạt đòn con trẻ. Hãy thay đổi tư duy giáo dục bằng động viên khích lệ kịp thời, kỷ luật bằng tình yêu thương để có những đứa trẻ hạnh phúc, những công dân tốt trong tương lai.