Dạy học trực tiếp-nhiều yêu cầu nghiêm ngặt

Nếu không có gì thay đổi, đầu tuần sau, ngày 17.1, một số khối lớp phổ thông sẽ đến trường sau thời gian dài học trực tuyến. Nhiều yêu cầu, quy định nghiêm ngặt được đặt ra để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho thầy và trò.

Học sinh phải đeo khẩu trang khi đến lớp. Trong ảnh, học sinh Trường tiểu học Hoàng Lê Kha (huyện Châu Thành). Ảnh: Việt Đông chụp ngày 2.3.2021

Học sinh phải đeo khẩu trang khi đến lớp. Trong ảnh, học sinh Trường tiểu học Hoàng Lê Kha (huyện Châu Thành). Ảnh: Việt Đông chụp ngày 2.3.2021

Chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng

Mục đích, yêu cầu đặt ra đối với kế hoạch lần này là rà soát, chuẩn bị các điều kiện cho học sinh tới lớp học trực tiếp; bảo đảm an toàn khi tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 của địa phương.

Tận dụng tối đa khoảng thời gian học trực tiếp ở những địa phương, cơ sở giáo dục đủ điều kiện về an toàn phòng, chống Covid-19 nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và giúp ổn định xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống dịch, phát huy tính chủ động, sáng tạo của thủ trưởng các đơn vị, trường học.

Phải đặt sức khỏe, tính mạng người dạy, người học lên trên hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện của địa phương. Phối hợp tốt với ngành Y tế bảo đảm cho người dạy, người học được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất trước khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị hiện có, có phương án sửa chữa, bổ sung trang thiết bị phòng, chống dịch theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới. Lưu ý việc chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu về khoảng cách, thiết bị vệ sinh khử trùng, thiết bị kiểm tra thân nhiệt, phòng học, phòng cách ly bảo đảm an toàn, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học, các yếu tố liên quan đến người khuyết tật…

Đối với các trường học đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch... cần nhanh chóng bàn giao, sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Triển khai thực hiện các hướng dẫn về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 tại các bếp ăn trong các điểm trường có tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú. Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, công tác y tế trường học cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thông qua các hệ thống thông tin, mạng xã hội hoặc hệ thống thông tin sẵn có của nhà trường.

Nhà trường rà soát, bổ sung hoàn thiện các điều kiện dạy và học trực tuyến, bảo đảm tổ chức dạy học cho các học sinh không thể tham gia học trực tiếp do học sinh ở vùng đang có dịch, đang bị cách ly… sẵn sàng áp dụng phương án giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa tổ chức truyền tải trực tuyến cho những học sinh không học trực tiếp.

Theo kế hoạch, cơ sở giáo dục được yêu cầu thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo, tổ an toàn Covid-19 và tổ tư vấn tâm lý học đường.

Nhà trường xây dựng phương án ứng phó tình huống khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại đơn vị theo Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16.8.2021 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị.

Nhà trường phân công nhân sự thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 hằng ngày tại trường học, bảo đảm thực hiện tốt các nội dung: sử dụng mã QR điểm kiểm dịch để quản lý người ra vào và khai báo y tế; đo thân nhiệt, yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, khách đến làm việc khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; quản lý khách vào đơn vị; kiểm soát mật độ người vào đơn vị; quản lý người ra/vào trường theo 1 chiều quy định; quản lý học sinh đầu giờ, cuối giờ, giờ ra chơi, khu vực tập trung đông người và giám sát việc thực hiện 5K trong suốt thời gian hoạt động trong ngày.

Bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời, thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường lớp, quản lý chất thải, tăng cường thông khí trên phương tiện đưa đón, nơi làm việc, nhà ăn, phòng họp; giảm tiếp xúc, bố trí vách ngăn tại nhà ăn, suất ăn riêng; bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, dung dịch sát khuẩn tay...

Quản lý nhân sự, cán bộ, giáo viên, nhân viên về các thông tin gồm họ tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ nơi ở, số điện thoại, địa chỉ quê quán; tổ chức theo dõi sức khỏe của người lao động hằng ngày; ký cam kết tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19.

Tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước khi dạy học trực tiếp; thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng, chống dịch trong hội đồng sư phạm nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường bằng hình thức phù hợp.

Cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Căn cứ vào kết quả đánh giá, thủ trưởng đơn vị quyết định tham mưu việc tổ chức dạy học của đơn vị và thực hiện điều chỉnh, khắc phục các tiêu chí chưa đạt (nếu có).

Giáo viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha xịt nước sát khuẩn tay cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Việt Đông chụp ngày 2.3.2021

Lộ trình tổ chức dạy học

Cơ sở giáo dục căn cứ điều kiện thực tế tổ chức dạy học (trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến), tổ chức dạy học cho từng môn học, từng lớp, khối lớp. Đối với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.

Thời gian tổ chức dạy học trực tiếp: đợt 1 gồm lớp 9 và lớp 12 bắt đầu học ngày 17.1; đợt 2 gồm lớp 1, 2, 6, học ngày 7.2; đợt 3, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các khối lớp còn lại sẽ đi học trực tiếp.

UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT phối hợp ngành Y tế tổ chức triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Chủ động phối hợp các địa phương, đơn vị tiếp nhận các cơ sở trường học đã được sử dụng làm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; thực hiện chặt chẽ việc tiêu độc, khử khuẩn, vệ sinh… bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.

Phối hợp với báo, đài, các ngành có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, phụ huynh, học sinh nắm rõ, hiểu chắc, không hoang mang trước tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện tốt theo kế hoạch tổ chức dạy và học của tỉnh.

Các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý theo quy trình hướng dẫn của ngành Y tế.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục với hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến linh hoạt, có thể chuyển sang hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến ngay khi có yêu cầu; tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo để bổ sung kiến thức, kỹ năng giúp cho học sinh đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình. Tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện dạy học và việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid- 19 tại các trường học.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý theo quy trình hướng dẫn của ngành Y tế.

Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp hướng dẫn xử lý F0, F1 trong cơ sở giáo dục; phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH tổ chức họp góp ý kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở giáo dục thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp trở lại theo từng đợt.

Chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục vệ sinh khử khuẩn trước khi đưa vào hoạt động trở lại; phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình tổ chức học trực tiếp trở lại.

UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp trở lại trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, linh hoạt và an toàn. Các địa phương chọn một cơ sở giáo dục để góp ý kế hoạch, phương án thực hiện bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ đó làm mẫu cho các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn.

Chỉ đạo Phòng GD&ĐT làm đơn vị thường trực triển khai kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp trên địa bàn. Kiểm tra và thẩm định kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương; xây dựng đội phản ứng nhanh với sự tham gia của ngành Giáo dục và Y tế địa phương để kịp thời tiếp nhận thông tin, đề xuất hướng xử trí đối với các ca nghi nhiễm phát sinh trong trường học trong khi dạy học trực tiếp.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/day-hoc-truc-tiep-nhieu-yeu-cau-nghiem-ngat-a140961.html