Đây là ngành học tiềm năng, có nhiều cơ hội việc làm nhưng học sinh chưa biết tới
Tin vui hơn nữa là ngành nghề này hiện nay đang được chính phủ khuyến khích đầu tư với nhiều chính sách hấp dẫn.
Khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều thí sinh quá "sa đà" vào ngành hot mà bỏ qua nhiều ngành tiềm năng khác. Trên thực tế, có rất nhiều những ngành khoa học cơ bản, truyền thống đang vô cùng khan hiếm nhân lực nhưng lại ít được thí sinh quan tâm bởi chưa hiểu hết về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm. Bảo vệ thực vật là một trong số đó.
Bảo vệ thực vật (Plant Protection) là ngành đào tạo các kiến thức về cây trồng, đất, môi trường sống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, đặc biệt đi sâu vào các kiến thức về sâu, bệnh hại cây trồng và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng...
Ngành này hiện được đánh giá đang rơi vào trạng thái "ế" đầu vào và "cháy hàng đầu ra". Nguyên do là nhiều bạn trẻ cũng còn cảm thấy e ngại việc học ngành nông nghiệp vì sợ cực, sợ lương thấp, khó xin việc…
Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, môi trường; Nhạy cảm và hòa hợp với thiên nhiên; Thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng; Giỏi các môn tự nhiên như Sinh học, Hóa học, Địa lý... thì Bảo vệ thực vật có thể là một lựa chọn nên cân nhắc.
Nhìn chung, sinh viên theo học ngành Bảo vệ thực vật sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên môn về khoa học và kỹ thuật cây trồng, đặc biệt là kiến thức phòng trừ sâu, bệnh, dịch hại để bảo vệ cây trồng và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Một số môn học tiêu biểu của ngành có thể kể đến như: Sinh học, Trồng trọt, Bệnh cây, Côn trùng, Hóa sinh, Vi sinh, Cây lúa, Cây lương thực và Rau màu, Cây trồng dài ngày, Hóa bảo vệ Thực vật, Dịch tể học Bảo vệ thực vật, Kiểm dịch Thực vật, Dịch hại Nông sản Sau thu hoạch, Phương pháp giám định côn trùng, Phương pháp Giám định Bệnh hại cây trồng, IPM trong Bảo vệ Thực vật, Nông nghiệp sạch và Bền vững…
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan quản lý công tác Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Khuyến nông. Hoặc sinh viên cũng có cơ hội thử sức trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu tại các trường Đại học, Cao đẳng. Bạn cũng có thể làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động về lĩnh vực Bảo vệ thực vật.
Mức lương ngành Bảo vệ thực vật bao nhiêu?
Nhìn chung, các vị trí của ngành Bảo vệ thực vật có mức lương tạm ổn. Trên một trang tuyển dụng, mức lương trung bình từ 7 đến 20 triệu đồng/tháng.
Một vài vị trí khác như Kỹ sư thực nghiệm cây trồng từ 9 triệu - 10 triệu đồng/tháng; Kỹ sư nông nghiệp 7 triệu đến 15 triệu đồng/tháng; Nhân viên canh tác từ 9 triệu đến 12 triệu/tháng. Sau thời gian ngắn làm việc cùng quá trình cống hiến tốt, mức lương sẽ khả quan hơn. Đặc biệt hơn, nếu học tập và làm việc tại môi trường quốc tế thì mức lương nhận được sẽ còn cao hơn nữa, có thể đạt mức tính ngàn USD cùng cơ hội thăng tiến hấp dẫn.
Tin vui hơn nữa là ngành Bảo vệ thực vật hiện nay đang được chính phủ khuyến khích đầu tư với nhiều chính sách hấp dẫn. Sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật có thể tự xây dựng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hoặc thành lập công ty tổ chức tư vấn hỗ trợ công tác Bảo vệ thực vật.
Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng, nông nghiệp đều sử dụng kiến thức, công nghệ mà ngành Bảo vệ thực vật đem lại. Như vậy có thể thấy nhu cầu đáp ứng và bổ sung nguồn nhân lực này là rất lớn trong tương lai gần, đặc biệt khi nước ta đang trong quá trình hội nhập và đổi mới, hiện đại hơn cho các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp.
Hiện nay, ở nước ta có các trường đại học đào tạo ngành Bảo vệ thực vật sau: Đại học Lâm nghiệp; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Nông lâm Bắc Giang; Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai; Đại học Nông lâm TP.HCM; Đại học Cần Thơ...