Đẩy mạnh chuỗi cung ứng logistics
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với đà tăng trưởng và nền tảng vĩ mô ổn định, hiện Việt Nam không chỉ nổi lên như một trung tâm logistics, mà còn trở thành một điểm đến, một đầu mối chiến lược về chuỗi cung ứng của khu vực Đông Nam Á.

Viettel Post đang đẩy mạnh xúc tiến khai thác mảng dịch vụ logistics xuyên biên giới. Ảnh: H.L.
Mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng khu vực
Ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc InterLOG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, năng lực logistics của Việt Nam đang được tăng cường sự hiện ở khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh căng thẳng cũng như bất ổn thương mại toàn cầu, việc xác định các hành lang kinh tế mới là yếu tố then chốt. Hiện với 14 khu công nghiệp mới được công bố trong quý I/2025 và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao mỗi năm, Việt Nam đang không ngừng mở rộng mạng lưới logistics. Qua đó, củng cố vai trò là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng khu vực.
Trong khi đó, ông Michael Wilton - Tổng Giám đốc điều hành của MMI Asia Pte. Ltd, công ty con của Messe München GmbH (MMG), một trong những đơn vị tổ chức triển lãm hàng đầu thế giới cho biết, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng GDP lĩnh vực logistics tại Đông Nam Á dự báo sẽ đạt 5,4 nghìn tỉ USD vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng thương mại ngày càng nhanh, hệ thống hạ tầng không ngừng được nâng cấp và mức độ ứng dụng công nghệ số ngày càng cao. Hiện Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một trung tâm logistics mà còn đang trở thành đầu mối chiến lược trong tương lai chuỗi cung ứng Đông Nam Á.
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, logistics được ví như mạch máu của nền kinh tế, có vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế. Trung tâm logistics càng có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các dòng lưu thông hàng hóa, tài chính và thông tin. Do đó, phát triển các trung tâm logistics là một trong những nội dung được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển. Các địa phương có lợi thế về logistics đều xây dựng trung tâm logistics như: Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc; Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn; Trung tâm Logistics quốc tế Bắc Giang…
Gỡ rào cản
Số lượng của các trung tâm logistics rất lớn, cho thấy nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Song bà Đặng Hồng Nhung - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chỉ rõ, sự phát triển trong giai đoạn vừa qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định: Chưa hình thành được những trung tâm logistics quốc gia và khu vực có vai trò dẫn dắt thị trường; công tác quy hoạch và gắn kết giữa quy hoạch hệ thống giao thông vận tải với quy hoạch trung tâm logistics vẫn còn nhiều bất cập; việc thu hút đầu tư và phát triển hệ thống trung tâm logistics còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đầu tư trung tâm logistics đã được đưa vào danh mục ngành nghề đầu tư ưu đãi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN…
Theo ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tiếp vận Hòa Phát (Hòa Phát Logistics), trong giai đoạn vừa qua, một loạt các DN logistics gặp phải áp lực rất lớn từ việc tăng chi phí, vừa không thể đẩy giá dịch vụ lên cao. Do đó ông Kiên đề xuất cần có chương trình và chính sách ưu đãi cụ thể đối với các trung tâm logistics để tăng nội lực cho các trung tâm có thể phát triển tốt nhất; tạo điều kiện để cho các trung tâm logistics được tiếp cận và cung cấp giải pháp trực tiếp kết nối giữa chính quyền - Nhà nước - các công ty, khách hàng, các nhãn hàng và các công ty logistics.
Chia sẻ ở góc độ DN, Phó Giám đốc Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn Đào Văn Thuấn kiến nghị, cần phân vai giữa các trung tâm logistics, tránh tình trạng trùng lặp chức năng cũng như quy hoạch manh mún, không có sự đồng nhất, không mang lại hiệu quả. Việc xây dựng các trung tâm logistics với quy mô lớn cần đồng bộ quy hoạch hạ tầng cao tốc, hạ tầng đường sắt cũng như quy hoạch về cảng cạn ICD. Hỗ trợ các nguồn lực để các DN logistics đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng, đầu tư công nghệ hiện đại. Cùng với đó, cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để nâng sức cạnh tranh, từ đó tạo ra một hệ sinh thái logistics.
Ở góc độ quản lý, bà Đặng Hồng Nhung nêu quan điểm, để có thể thu hút được DN trong lĩnh vực đầu tư trung tâm logistics, các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra những chính sách hỗ trợ thực chất...
Logistics được ví như mạch máu của nền kinh tế, có vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế. Trung tâm logistics càng có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các dòng lưu thông hàng hóa, tài chính và thông tin. Do đó, phát triển các trung tâm logistics là một trong những nội dung được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-manh-chuoi-cung-ung-logistics-10309605.html