Đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS
HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, gây nhiều hiểm họa cho cộng đồng. Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh tích cực triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; giám sát ca bệnh; tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống HIV, kéo giảm tỷ lệ lây nhiễm và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV.
Đến ngày 30/11/2024, số trường hợp nhiễm HIV lũy tích toàn tỉnh là 8.132 người; số trường hợp tử vong lũy tích là 2.388 người. Riêng năm 2024, tổng số ca nhiễm HIV mới phát hiện là 346 ca, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2023 (431 ca), không có ca chuyển sang AIDS; 60 ca tử vong, giảm 23% (18 ca) so với cùng kỳ năm 2023 (78 ca). Qua công tác giám sát, nhìn chung số ca mắc mới HIV trong năm 2024 có giảm, tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tỷ lệ lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục gia tăng, nhất là có sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa.
Thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS, trong năm 2024, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, tổ chức nhiều buổi truyền thông tại địa bàn dân cư, trường học. Tại các buổi truyền thông, tuyên truyền cho người dân, học sinh về tình hình dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; hiểm họa của dịch HIV trong cộng đồng; cách nhận biết đường lây nhiễm của virus HIV...
Đặc biệt là nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12/2024, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường tổ chức các buổi truyền thông nhóm, bố trí xe cổ động, treo băng-rôn truyền thông về chủ đề Tháng hành động “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”; các thông điệp như: “Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để không ai bị bỏ lại phía sau”, “Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV”... nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh HIV/AIDS.
Cùng với đó, Trung tâm KSBT tỉnh tổ chức 28 lớp tập huấn cho hơn 1.000 học viên là nhân viên y tế tuyến huyện, xã; các đối tượng chuyên trách tuyến huyện, xã. Qua các lớp tập huấn, trang bị cho học viên những kiến thức chuyên môn kỹ thuật trong công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị, xét nghiệm và các kỹ năng giám sát, truyền thông. Đồng thời tổ chức các đợt giám sát chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở điều trị ARV, PrEP, Methadone và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hồng Ngự; hỗ trợ kỹ thuật điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, chăm sóc HIV/AIDS và tư vấn tại cộng đồng.
Trung tâm KSBT tỉnh cấp phát các vật dụng giảm tác hại như: bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người sử dụng ma túy, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới... Thường xuyên tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV và điều trị ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, điều trị dự phòng lao/HIV, điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan C cho người nhiễm HIV. Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở điều trị HIV, 36 cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV, 4 cơ sở điều trị Methadone và 11 cơ sở điều trị PrEP. Các trường hợp nhiễm HIV đều được tư vấn, chăm sóc, điều trị kịp thời. Đến tháng 12/2024, toàn tỉnh đang quản lý, chăm sóc, điều trị cho 3.337 người nhiễm HIV bao gồm người lớn và trẻ em. Đáng ghi nhận là những năm qua, tỉnh đã triển khai Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Qua đó, khuyến khích 100% nam và nữ xét nghiệm HIV trước khi kết hôn; tư vấn cho 100% phụ nữ mang thai và trước khi sinh tự nguyện xét nghiệm HIV. Hiện nay, từ tuyến tỉnh đến xã có 172 điểm cung cấp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ước tính mỗi năm, tỉnh đã dự phòng cho hơn 40 trẻ, góp phần làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tại huyện Hồng Ngự, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự, cho biết, lũy kế đến nay, toàn huyện Hồng Ngự có 1.230 ca nhiễm HIV. Trong đó, chuyển sang AIDS 217 ca; 224 ca tử vong do AIDS. Thời gian qua, thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng, các buổi nói chuyện chuyên đề phòng, chống HIV/AIDS tại các trường THCS, THPT trên địa bàn. Đồng thời thực hiện đảm bảo chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; xét nghiệm, tầm soát HIV ngoài cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS.
Trong thời gian tới, Trung tâm KSBT tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch HIV, tư vấn, xét nghiệm, sàng lọc HIV tại cộng đồng kết hợp loại hình dịch vụ test xét nghiệm HIV tại các nhà thuốc cho đối tượng nguy cơ, nhất là nhóm đối tượng MSM; thực hiện chương trình can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Đồng thời tăng cường kết nối dự phòng, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV; củng cố, mở rộng mô hình PrEP lưu động, mạng lưới cấp phát thuốc ARV tại các phòng khám lồng ghép lao/HIV tại 12 huyện, thành phố; triển khai phòng khám ngoại trú tại Trung tâm KSBT tỉnh...
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/day-manh-cong-tac-phong-chong-hiv-aids-127871.aspx