Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục
Công tác xã hội hóa giáo dục được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng; tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục.
Giai đoạn 2021 - 2023, lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước ủng hộ tài trợ, viện trợ hơn 18 tỷ đồng. Nguồn tài trợ trong nước hỗ trợ 445 triệu đồng cho học sinh khuyết tật của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; mua đồ dùng dạy học cho Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh, Trường PTDT nội trú huyện Trùng Khánh.
Nguồn viện trợ nước ngoài gần 6 tỷ đồng. Trong đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam viện trợ 360 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cho phòng tin học của Trường PTDT nội trú huyện Hạ Lang; tổ chức VCF/Mỹ viện trợ 230 triệu đồng trao tặng học bổng cho 230 học sinh nghèo của tỉnh; tổ chức Childfund Australia viện trợ gần 800 triệu đồng sửa chữa nhà lớp học, cải tạo nhà bếp Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Quang Trọng (Thạch An); hơn 900 triệu đồng lắp đặt hệ thống cấp nước, cải tạo, sửa chữa nhà bếp và nhà ăn Trường PTDT bán trú THCS Đức Thông (Thạch An); hỗ trợ 2,4 tỷ đồng xây dựng nhà bán trú gồm 6 phòng học của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Quang Trọng (Thạch An); hỗ trợ hơn 700 triệu đồng thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực số cho học sinh dân tộc thiểu số” của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Quang Trọng, Trường PTDT bán trú THCS Đức Thông (Thạch An); 460 triệu đồng triển khai Dự án “An toàn trên mạng”. Ngành GD&ĐT cùng các địa phương huy động có hiệu quả nguồn ủng hộ đóng góp 11,6 tỷ đồng từ các tập đoàn lớn trong nước để xây dựng, kiên cố hóa trường lớp.
Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Hưng Thịnh nằm trên địa bàn của một trong những xã nghèo nhất huyện Bảo Lạc, điều kiện kinh tế - xã hội và giao thông đi lại rất khó khăn. Toàn trường có 5 điểm trường gồm 23 lớp học với gần 500 học sinh. Khi được thành lập, trường thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Khu lớp học chỉ là lán trại tạm, chật chội và không đạt chuẩn giáo dục. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của xã còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp GD&ĐT còn hạn chế. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước nhu cầu của nhà trường về cải thiện cơ sở vật chất, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tài trợ gần 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khu nhà 3 tầng với 9 phòng học, các phòng giáo dục chức năng, nhà vệ sinh chung và các hạng mục phụ trợ khác. Ngôi trường mới khang trang hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu thiết thực của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có 519 cơ sở giáo dục với tổng số 5.794 lớp học và 135.941 trẻ em, học sinh các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên. Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động thu hút, sử dụng và quản lý có hiệu quả nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, học sinh nhà trường giảng dạy và học tập, đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa và nhu cầu hoạt động của các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/day-manh-cong-tac-xa-hoi-hoa-giao-duc-3173230.html