Đẩy mạnh Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, kết hợp với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ, áp thuế đối ứng nhập khẩu ở mức cao.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.

Sở Công thương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm của tỉnh tới nhiều người tiêu dùng hơn. Năm 2024, Sở Công thương đã xây dựng 3 điểm bán hàng cố định với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch và Bình Xuyên; tổ chức 9 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, đô thị, khu công nghiệp tại một số huyện, thành phố…

Đơn vị phối hợp với Bộ Công thương mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu hàng hóa tại các nước trên thế giới; hỗ trợ thông tin kết nối, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Nghệ An...

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ý thức được ý nghĩa của CVĐ, từ đó chủ động, sáng tạo trong xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững, đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm đến công tác chăm sóc khách hàng sau bán hàng.

Người dân xã Thái Hòa (Lập Thạch) lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng

Người dân xã Thái Hòa (Lập Thạch) lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng

Về phía người tiêu dùng, thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền về chủ trương CVĐ, các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường như bán hàng khuyến mại, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hội chợ triển lãm diễn ra liên tục, tần suất cao, đã từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng sản xuất mang thương hiệu Việt Nam. Đặc biệt là đã thay đổi thói quen, tâm lý mua sắm, lựa chọn sử dụng nhiều loại sản phẩm, hàng hóa nội địa, nhất là sản phẩm dệt may, nhựa, da giày, thực phẩm rau quả, đồ gia dụng.

Đầu tháng 4 vừa qua, Mỹ công bố sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, việc đẩy mạnh các chương trình khuyến khích người tiêu dùng nội địa trở thành một yếu tố then chốt trong việc giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất; đồng thời là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước, giúp thị trường hàng Việt ngày càng phát triển vững mạnh.

Thời gian tới, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thực và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ do Việt Nam sản xuất; tổ chức các hoạt động kết nối và xúc tiến thương mại như hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, Tuần lễ hàng Việt tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đổi mới sáng tạo.

Đưa hàng Việt vào các chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi để tăng tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán; phát triển các điểm bán hàng Việt “Tự hào hàng Việt Nam”; hỗ trợ kết nối hàng Việt vào kênh thương mại điện tử và logistics.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện chương trình; kết hợp lồng ghép với các hoạt động an sinh xã hội, chương trình bình ổn thị trường, giảm giá hàng Việt.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128817//day-manh-cuoc-van-dong-%E2%80%9Cnguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam