Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường để gia tăng xuất khẩu

Chiều 28/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2025 với chủ đề: Vai trò của hệ thống XTTM và Thương vụ trong bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu.

Tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, thông qua gỡ bỏ mức thuế đối ứng và cân nhắc tham dự Sự kiện thu mua quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 9/2025 tại Việt Nam (Vietnam International Sourcing Expo 2025).

Theo số liệu thống kê, quý I/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD tăng 21%, điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mang tính bổ trợ giữa 2 nước, trong cạnh tranh trực tiếp.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, các cuộc trao đổi cấp cao, cụ thể cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ, chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ vào tháng 3..., thể hiện tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Các đại biểu dự hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Các đại biểu dự hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho biết, ngay trong tuần này, dự kiến đoàn đàm phán cấp kỹ thuật của Việt Nam sẽ lên đường sang Hoa Kỳ để tiếp tục trao đổi chi tiết. Điều này thể hiện Hoa Kỳ rất coi trọng Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng, nghiêm túc và có sự thiện chí, cũng như ghi nhận một cách thực chất.

Để chủ động ứng phó với thách thức, ông Đỗ Ngọc Hưng kiến nghị tăng cường nỗ lực ngoại giao, các cuộc đàm phán để vận động xử lý vấn đề thuế đối ứng; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Doanh nghiệp cũng cần nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cấp công nghệ, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó củng cố xuất khẩu.

Tăng cường khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian tập trung 1 thị trường, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong nước sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cũng cho rằng, cơ hội để doanh nghiệp đi vào thị trường EU là có nhưng cần có sự thiết lập bài bản, căn cơ; Chính phủ phải kiểm soát thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Cùng với đó, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada cho rằng, cơ hội cho sản phẩm Việt tại thị trường Canada vẫn rất tốt. Kết quả xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn đang tăng trưởng khả quan. Trong đó, các sản phẩm điện, điện tử xuất khẩu đến nay đạt 490 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mặt hàng có giá trị gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn và đóng vai trò quan trọng vào triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada. Theo bà Quỳnh, trong bối cảnh hiện nay, mặt hàng điện tử của Việt Nam có thể có thêm dư địa thị trường ở Canada.

Theo bà Quỳnh, trong nguy có cơ, đây chính là thời điểm để các nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ, trung gian thương mại của hai nước không chỉ dịch chuyển chuỗi cung ứng, mà còn dịch chuyển cả chuỗi sản xuất/đầu tư/công nghệ/thương hiệu và phát triển những nền tảng hạ tầng logistics/vận tải mới, kiến tạo hệ sinh thái CPTPP.

Để hỗ trợ thiết thực và có cơ sở cho các quyết định chuyển dịch của doanh nghiệp và hiệp hội về dài hạn, Thương vụ kiến nghị cần có sự tham gia vào cuộc và phối hợp hỗ trợ thông tin của nhiều cơ quan. Thương vụ Việt Nam tại Canada đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản thương mại, trong đó có việc vận động ký kết thỏa thuận song phương về đơn giản hóa nguyên tắc xuất xứ cho mặt hàng dệt may; vận động mở cửa thị trường thịt trứng sữa, đặc biệt là sản phẩm thịt chế biến của Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội ngành hàng chủ lực như dệt may, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, thủy sản chế biến xuất khẩu cùng một số doanh nghiệp lớn đã trình bày các vướng mắc về thuế, quy chuẩn kỹ thuật, chi phí logistics, cũng như những thách thức khi đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường...

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/day-manh-da-dang-hoa-thi-truong-de-gia-tang-xuat-khau-i766748/