Đẩy mạnh kết nối nguồn nông sản sạch từ HTX để phục vụ Tết Nguyên đán
Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đang bước vào đợt cao điểm chuẩn bị dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng đến tay người tiêu dùng dịp Tết. Đặc biệt, công tác bảo đảm nguồn cung các loại thực phẩm phong phú, ổn định, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ các DN, HTX đang là mối quan tâm hàng đầu của Thành phố.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của hơn 10 triệu người dân sẽ tăng khoảng 10 - 15%
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp Tết
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, nhu cầu tiêu dùng trong 1 tháng Tết của người dân Hà Nội khoảng 97.650 tấn gạo;19.500 tấn lợn hơi; Thịt bò 5.400 tấn; Thịt gia cầm 6.500 tấn; Thủy sản 5.420 tấn, Thực phẩm chế biến 5.420 tấn; Rau củ 52.400 tấn; Trứng gia cầm 130 triệu quả; Trái cây 52.400 tấn...
Trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, các Bộ, ban ngành và doanh nghiệp đang tích cực lên các phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân cho những ngày Tết Nguyên đán sắp tới.
Cụ thể, ngành Công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Xác định đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Trong đó, ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền.
Ngoài một số loại thực phẩm thành phố có khả năng tự đáp ứng như thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt,... Hà Nội cũng tích cực kết nối với các nguồn cung thực phẩm từ địa phương.
Theo Sở Công thương, để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.
Trong đó, gạo sẽ được lấy từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…
Theo đó, số lượng dự trữ các loại thực phẩm của thành phố được chuẩn bị tăng gấp đôi so với nhu cầu nên về cơ bản sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa hay khan hiếm hàng hóa dẫn đến tăng giá trong dịp Tết.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà cung ứng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng để đáp ứng thị trường. Đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, Tết Nguyên đán 2024, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tăng 20% so với bình thường. Về lượng hàng dự kiến cung cấp cho thị trường miền Bắc trong tháng Tết khoảng 4,5 nghìn tấn thịt gà và thịt lợn, trong đó, thị trường Hà Nội chiếm 40%.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp khẳng định, thành phố đảm bảo không xảy ra hiện tượng khan hàng, tăng giá trong thời gian trước, trong và sau Tết. Sở đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến, mở rộng thị trường và giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi; xúc tiến, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP...
Đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP của HTX ra thị trường
Ngoài các doanh nghiệp sản xuất lớn, năm nay Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng đến việc kết nối với các nguồn cung nông sản, thực phẩm sạch, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ các HTX, tổ hợp tác, người dân... trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, năm nay, HTX đã chuẩn bị nguồn cung để phục vụ thị trường, chỉ tính trung bình trong tháng Tết, HTX cung cấp từ 150 - 200 tấn thịt lợn, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, thời điểm này các hộ dân thành viên của HTX đang tích cực chăm sóc, thu hoạch, đồng thời gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường thành phố dịp Tết Nguyên đán.
Với diện tích 250 ha trồng các loại rau, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, Hợp tác xã còn liên kết sản xuất với các vùng rau lân cận để tăng sản lượng lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc (Bắc Ninh) cũng chia sẻ đã sẵn sàng nguồn hàng rau củ, quả đạt chuẩn VietGap lên tới 200 tấn cam Canh, gần 300 tấn rau, củ, quả các loại, cung ứng cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh thành.
Hiện các sản phẩm nông sản sạch đến từ người dân, HTX đang được bày bán tại nhiều siêu thị, chuỗi bán lẻ. Đồng thời, thành phố cũng đang triển khai rất nhiều hoạt động, sự kiện nhằm xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối; hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.
Việc đa dạng nguồn cung như hiện tại sẽ giúp thành phố không thiếu hụt thực phẩm phục vụ người dân dịp Tết, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, tạo đầu ra cho các doanh nghiệp, HTX, người dân làm nông nghiệp. Tạo tiếng vang, lan tỏa thương hiệu cho các nông sản trong nước, giúp tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài trong bối cảnh người dân ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc nội địa.