Đẩy mạnh kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Theo điều tra của cơ quan chức năng về các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây, nguyên liệu thực phẩm được các cơ sở thu gom trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm soát về chất lượng.

Trước thực tế đó, Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị, các địa phương và cơ quan chức năng liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra nguồn gốc thực phẩm ở một siêu thị tại quận Đống Đa. Ảnh: Thu Trang

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra nguồn gốc thực phẩm ở một siêu thị tại quận Đống Đa. Ảnh: Thu Trang

Tiêu hủy lượng lớn thực phẩm không nguồn gốc

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, nước ta ghi nhận trung bình mỗi năm khoảng 100 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.181 người mắc, 23 ca tử vong. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.138 người mắc (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ). Riêng tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra 3 vụ ngộ độc với 518 người mắc (tăng 457 ca so với cùng kỳ).

Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc lớn với nhiều người mắc, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Kết quả cho thấy, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đánh giá, có cơ sở dù được ngành Nông nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩm nông sản nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi về đóng nhãn mác của cơ sở mình. Hay có cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng thịt cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Ngay tại địa bàn Hà Nội, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, tiêu hủy lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, xử lý 239 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm.

Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,51 tỷ đồng; đồng thời buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 2,1 tỷ đồng, gồm: 1.950kg nầm lợn, 120kg thịt đùi vịt, 950kg thịt lườn vịt, 1.900kg lá lách lợn đông lạnh, 1.000kg chân bò đông lạnh, 400kg lạp xưởng, 210kg chân giò, giăm bông… Nếu số lượng thực phẩm này mà được đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng thì rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

Từ công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2024 và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội ghi nhận, bên cạnh các doanh nghiệp uy tín vẫn còn tồn tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phối hợp kiểm soát nguồn gốc nông sản

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, cơ quan chức năng của các địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí. Đặc biệt, các địa phương phải chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, tập trung vào nhóm các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị, ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản như: Thịt, rau, củ, quả... và các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng... kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

“Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng cần được đẩy mạnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Còn Chi cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công Thương, Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp… Trong đó, lực lượng chức năng chú trọng đến việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng nông sản thực phẩm với mục tiêu hạn chế sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/day-manh-kiem-soat-nguon-goc-thuc-pham-667583.html