Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học lĩnh vực khí tượng thủy văn
Hiện nay, nhiều nghiên cứu khoa học của ngành Khí tượng thủy văn đã được ứng dụng vào cuộc sống.
Một số công trình nghiên cứu có tính thực tiễn mang tầm quốc tế đã đem lại hiệu quả cao trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, còn có những đề tài nghiên cứu khoa học đã và đang triển khai mang tính khả thi cao trong việc ứng dụng vào công tác dự báo, cảnh báo.
Một trong những nghiên cứu khoa học đang được triển khai, ứng dụng tại Việt Nam là công trình nghiên cứu nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ trong mô hình tích hợp khí tượng thủy văn của Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Minh, Dự báo viên Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. Nghiên cứu đã đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của một cặp mô hình khí tượng thủy văn bằng cách tạo ra lượng mưa tổ hợp (EPP) kết hợp với lượng mưa dự báo dựa trên ra đa và sai số không gian của lượng mưa dự báo. Lượng mưa tổ hợp được tạo ra bằng mô phỏng Monte - Carlo dựa trên độ chính xác của mô hình số trị (NWP) ở khung thời gian trước, sau đó tích hợp với lượng mưa dự báo từ ra đa để tạo ra một hỗn hợp dự báo. Hỗn hợp này tiếp tục được hiệu chỉnh bằng việc giảm thiểu sai số không gian của lượng mưa dự báo, yếu tố có đóng góp đáng kể đến độ chính xác dự báo lũ. Đề tài nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Minh đã được giải thưởng nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới dành cho các nhà khoa học trẻ năm 2021.
Công trình nghiên cứu ứng dụng mô hình MIKE URBAN cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội của tác giả Đinh Thị Hương Thơm, Võ Văn Hòa (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) đã thiết lập công nghệ và vận hành hệ thống cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội. Hệ thống thoát nước gồm cống, hố ga, các đập bơm và các sông trong khu vực được mô phỏng trong mô hình MIKE URBAN cùng với số liệu 13 trạm đo mưa tự động, số liệu mưa ước lượng vệ tinh và số liệu mưa dự báo từ mô hình hạn với hạn dự báo là 24 giờ. Các kết quả có thể ứng dụng trong lập kế hoạch ứng phó và xây dựng các bản tin cảnh báo ngập lụt, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do ngập lụt gây ra.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, ngoài những đề tài đã được ứng dụng trong thực tế hoạt động nghiệp vụ của ngành trong thời gian qua, một số đề tài khác cũng được đánh giá là bám sát thực tiễn và có tính khả thi cao trong ứng dụng, đã và đang được các nhà khoa học ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu, xây dựng công nghệ dự báo tác động, cảnh báo rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới và lũ tại một số khu vực.
Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, ngành Khí tượng thủy văn đã và đang chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành trang thiết bị, công nghệ mới thông qua nhiều hình thức như các chương trình hợp tác quốc tế, các đề án, dự án… Chất lượng nguồn nhân lực của ngành được nâng lên, nhiều nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào các hoạt động nghiệp vụ như dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, góp phần cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn một cách kịp thời, chính xác. Từ đó, người dân chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực khí tượng thủy văn thời gian tới, ông Trần Hồng Thái đề nghị các nhà khoa học của ngành tập trung nêu bật những kết quả đạt được, những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng các khoa học về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, từ đó làm rõ những vấn đề cần tiếp tục triển khai, hoàn thiện các nghiên cứu về giải pháp công nghệ hiện đại trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tạo động lực, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, tạo tư tưởng dám nghĩ, dám làm trong ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ hiện đại đối với dự báo, cảnh báo thiên tai nói riêng, lĩnh vực khí tượng thủy văn nói chung. Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ cần phát huy sự năng động, làm hạt nhân trong các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại không chỉ riêng trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu mà còn đối với toàn ngành Tài nguyên và Môi trường. Các nhà khoa học cần tăng cường sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới trong dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn từ Tổng cục Khí tượng thủy văn đến các đơn vị liên quan.