Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Chưa bao giờ Việt Nam bước vào cuộc cách mạng xây dựng hệ thống chính trị với mục tiêu 'hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả'; với quyết tâm cao và sự đồng thuận như lúc này. Để đạt được các mục tiêu trên, bộ máy nhà nước phải 'tinh - gọn - mạnh'. Điều đó cũng có nghĩa là phải phân cấp, phân quyền.

Ảnh minh họa (Ảnh: internet).
Quan điểm này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phải phân cấp, phân quyền theo hướng: Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đây không chỉ là mệnh lệnh cải cách, mà còn là một định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị - hành chính.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp điều hành rằng phải “phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương, Bộ, ngành không ôm việc, không ôm quyền”. Đây là sự đồng thuận cao trong hệ thống lãnh đạo, thể hiện quyết tâm chính trị nhất quán trong việc chuyển giao thẩm quyền thực chất cho địa phương.
Trong quá khứ, từng xảy ra thực tế với một số việc, tỉnh chờ Trung ương, “chuyền ban”, “đá bóng” lên cấp trên. Nên diễn ra tình trạng thiếu hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, về tổ chức nhà nước theo lãnh thổ, cả nước có 63 tỉnh, thành phố; nhưng trong số này không nhiều địa phương tự cân đối được ngân sách, số địa phương có đóng góp cho Trung ương càng ít. Tình trạng này giống như trong đời sống một gia đình đông con, dù các con đã ra “ở riêng” nhưng vẫn dựa vào bố mẹ, thì đại gia đình không phát triển lên được.
Thủ tướng Phan Văn Khải khi phát biểu từ nhiệm trước Quốc hội vào tháng 6/2006 từng nói những lời đáng suy ngẫm về việc người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, sắp xếp công việc; dẫn tới lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự căn cứ vào kết quả công việc; tạo môi trường thuận lợi dẫn đến kẽ hở cho nạn “chạy chức, chạy quyền”. Ông nhiều lần chia sẻ việc Thủ tướng mất quá nhiều thời gian giải quyết sự vụ hành chính, thay chính quyền cơ sở, “tư lệnh” ngành.
Hiện nay, chúng ta đã và đang thực hiện khối lượng công việc khổng lồ từ sửa đổi Hiến pháp, các văn bản pháp luật để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, thực chất. Kỳ họp thứ 9 (khóa XV) của Quốc hội đang xem xét tiếp tục sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều Nghị quyết của Quốc hội, đề án... cũng đang được hoàn thiện.
Gần đây, Thủ tướng đã giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát trong lĩnh vực quản lý để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Để làm được như vậy, chúng ta cần một nền quản trị có năng lực phản ứng nhanh, sáng tạo tại chỗ và huy động được mọi nguồn lực.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-post548582.html