Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để Chính phủ gỡ khó, đảm bảo 'lạt mềm buộc chặt'

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tư tưởng khi sửa Luật Tổ chức chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay và cả tương lai để đất nước phát triển; đảm bảo 'lạt mềm phải buộc chặt'.

Sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi). Một trong những nội dung được thảo luận là các quy định về phân cấp, phân quyền.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ đề xuất 3 chính sách mới. Cụ thể là hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương như Quốc hội, TAND tối cao, VKSND tối cao, MTTQ Việt Nam. Thứ 2, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ. Thứ 3, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với nội dung về phân cấp trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để “tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ”.

Ông Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung nguyên tắc phân cấp, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Không còn cơ chế xin - cho

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm sửa Luật Tổ chức chính phủ là Quốc hội nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động.

“Tư tưởng lớn là như thế để Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay và cả tương lai để đất nước phát triển. Chúng ta phải đảm bảo 'lạt mềm buộc chặt'. 'Lạt' do chúng ta mà 'buộc' cũng do chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội ví von.

Do đó, ông đề nghị lưu ý thống nhất các quy định liên quan phân cấp, phân quyền ở luật này với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, và một số luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ hơn nữa để làm sao sửa luật lần này tương đối, khi thực hiện 3 năm có thể sửa toàn diện.

Ngoài ra, ông quan tâm đến nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “đúng vai thuộc bài”. Đồng thời xử lý những nội dung còn giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Đề cập đến phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội nhắc đến thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương chỉ kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành.

“Tới đây Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư công, không quản lý danh mục tiền mà giao một khối cho Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về cho địa phương. Không còn cơ chế xin - cho. Thủ tướng cũng nói với tôi là Thủ tướng giao quyền lại cho bộ, ngành, địa phương”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

Theo ông, làm sao phải minh bạch trong phân cấp, ủy quyền. Nội dung phân cấp, ủy quyền phải được thể hiện trong dự thảo Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có mối quan hệ chặt chẽ, phải thống nhất, thông suốt, đồng bộ.

“Bây giờ nói nhiều về thủ tục hành chính, mình có cải cách cho thông suốt hay chưa? Nói thực sự có giao nhưng ở trên vẫn còn ôm, giao nhưng muốn làm cái gì vẫn phải thông qua ở trên”, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.

Ông yêu cầu làm rõ hơn khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức người được phân cấp, đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Bởi thực tế cũng một luật, cũng nghị định, thông tư nhưng có địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ gì trung ương, không nói khó, nhưng có địa phương cứ kêu tại luật, nghị định, thông tư.

“Tôi ở Quốc hội cũng điểm danh, nhận diện rất nhiều địa phương làm có sản phẩm, tăng trưởng cao, thu ngân sách cao nhưng không kêu. Hiện nay có tình trạng những gì làm không được thì đổ lỗi cho Quốc hội, Chính phủ, nghị định, thông tư này nọ”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị việc sửa luật phải làm rõ.

Ông Mẫn cho biết, theo chủ trương phân cấp, phân quyền, tới đây xã rất mạnh. Chủ trương là thanh tra cấp huyện không còn, công an cấp huyện không còn và nhiều đơn vị nữa cũng sắp xếp tương tự.

“Cái gì ở cái chỗ gác lửng thì thôi không xây dựng nữa. Một trệt, 2 lầu, 3 lầu, đừng có gác lửng nữa”, Chủ tịch Quốc hội ví von và lưu ý khi tập trung cho xã thì phân quyền cho xã.

Báo cáo làm rõ thêm một số nội dung sau đó, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc xây dựng luật thể hiện tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp nên sửa đồng bộ, toàn diện và căn bản.

Cùng với việc trình các dự án luật, Chính phủ đã chuẩn bị song song 3 dự thảo nghị định khung quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện.

Khi Quốc hội bế mạc kỳ họp thì Chính phủ triển khai ngay nghị quyết và công bố cơ cấu tổ chức Chính phủ, triển khai các nghị định về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy để hoạt động được luôn, không để khoảng trống pháp lý.

Dự thảo gồm 5 chương, 35 điều, so với luật hiện hành giảm 2 chương, 15 điều sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường vào tuần tới.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-de-chinh-phu-go-kho-dam-bao-lat-mem-buoc-chat-2368618.html