Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2025 tại phiên họp sáng 9.10, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, với phương châm 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng'.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tập trung giải quyết dự án yếu kém, thúc đẩy dự án đang làm tốt

Một trong những kết quả nổi bật trong Báo cáo của Chính phủ, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, là đã đánh giá tương đối toàn diện, có sự cân đối cả về kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hết sức khó khăn nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Nhà nước, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, đặc biệt, chúng ta đã dành một khoản ngân sách lớn để thực hiện cải cách tiền lương.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hết sức nỗ lực, có chỉ đạo quyết liệt và đã dự kiến hoàn thành gần hết các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 (ước cả năm 2024, mục tiêu tổng quát và 14/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt mục tiêu - PV).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Khẳng định những kết quả đạt được về kết cấu hạ tầng là một điểm sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), được Chính phủ tích cực chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải tham mưu triển khai và các địa phương cùng tham gia, dự kiến đến năm 2025 có thể thông được toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về hạ tầng viễn thông, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, vừa qua, hai tập đoàn viễn thông lớn là Viettel và VNPT đã đầu tư, đấu giá được 2 băng tần, mỗi băng tầng 100 MHz và thu được hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là khoản thu rất tốt cho ngân sách nhà nước, giúp phát triển hạ tầng số của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, 9 tháng năm 2024 chỉ đạt 55,7% kế hoạch và địa phương giải ngân chậm hơn Trung ương, trong đó có một số địa phương mới giải ngân được dưới 10%. Trong khi đó, Chính phủ quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 95%. Đây là một công việc hết sức khó khăn, cần có giải pháp tập trung vào những dự án còn yếu kém, thúc đẩy những dự án đang làm tốt. Và một trong những giải pháp, đó là gần đây Chính phủ đang xem xét rút vốn ở những dự án chậm, chuyển vốn cho dự án khác.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Qua làm việc với các bộ, ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận thấy, tỷ lệ giải ngân ở khối văn hóa, xã hội thấp, đồng thời nêu rõ đây là một "nghịch lý" và phải tìm cho được nguyên nhân.

Lưu ý do khâu xây dựng dự toán chưa sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ rõ “có ý kiến phản ánh là giải ngân vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng không được, nhưng đến khi kiểm tra là do khâu đề xuất dự án chuẩn bị đầu tư chưa được rà soát kỹ". Vì vậy, cần "mổ xẻ, chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục từ gốc vấn đề, thay vì năm nào cũng nói bất cập nhưng tình trạng cứ lặp đi, lặp lại”.

Ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản

Cho rằng thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã chỉ ra rất nhiều vấn đề, báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng cao, người dân khó tiếp cận. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Một trong những biện pháp, theo Chủ tịch Quốc hội, là “Chính phủ phải làm sao ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, đó là cung nhiều hơn cầu hoặc cầu có nhưng khả năng thanh toán không có. Hiện nay, xây dựng nhà mới ở các thành phố lớn vẫn có tình trạng xây xong không khai thác, không có người ở”.

Đáng lưu ý là việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 vẫn chậm. Chỉ rõ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, Chính phủ cam kết trước Quốc hội, đến tháng 7 vừa qua sẽ xong toàn bộ văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện các luật nêu trên, nhưng theo phản ánh của báo chí, đến nay có 12 địa phương chưa ban hành một văn bản hướng dẫn nào, chưa kể việc ban hành văn bản hướng dẫn ở các địa phương cũng không đồng bộ. Do vậy, Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các luật này, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2025 có đóng góp quan trọng và góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính cũng như tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp, bảo đảm bảo ổn định KT - XH trong điều kiện bất định.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở, lao động, việc làm, y tế, bảo hiểm và các luật thuế. Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án về đất đai.

Đặc biệt, “Chính phủ tăng cường kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-gan-voi-phan-bo-nguon-luc-post392793.html