Đẩy mạnh phân quyền, phục vụ người dân tốt hơn

Chính quyền địa phương 2 cấp đã có hành lang pháp lý, bộ máy và định hướng rõ ràng để hoạt động hiệu quả, hiện đại hơn, chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm.

Cấp xã không còn là nơi trung chuyển

Khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được vận hành, hơn 1.000 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cấp huyện trước đây đã được phân quyền cho cấp xã, thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Các nhiệm vụ trải rộng trên các lĩnh vực như hộ tịch, đất đai, tài chính, giáo dục, y tế, xây dựng, an sinh xã hội, hòa giải, đô thị, văn hóa, tư pháp...

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bình Sơn tiếp nhận,giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HIỀN THU

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bình Sơn tiếp nhận,giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HIỀN THU

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã giờ đây quản lý trực tiếp các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Tiếp nhận thông báo về nguy cơ mất an toàn lao động từ người lao động tại địa bàn quản lý để kịp thời có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm. Nhận thông báo từ người sử dụng lao động khi xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động và chủ động xử lý theo quy định.

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà ở trên địa bàn như tiếp nhận thông báo về việc cho thuê nhà ở của chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã đảm nhận thêm các nhiệm vụ từ phòng Tư pháp, cán bộ làm công tác hộ tịch cấp huyện trước đây. Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Trương Quang Trọng Trần Thị Thanh Xuyến cho biết, tuy có nhiều nhiệm vụ mới nhưng nhờ được tập huấn, hướng dẫn và có quy trình cụ thể nên công chức phường đã tiếp nhận và xử lý kịp thời cho người dân.

Tăng quyền đi đôi trách nhiệm

Trước đây, cấp xã thường chỉ đóng vai trò “trình - chuyển - chờ”, khiến việc giải quyết thủ tục hành chính chậm và gây phiền hà cho người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi. Để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ đã ban hành đồng thời 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Đây được xem là bước ngoặt lớn về thể chế hành chính, đặt nền móng cho một mô hình quản trị hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn.

Sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều xã, phường có quy mô lớn hơn và dân số đông hơn, yêu cầu quản trị cao hơn. Việc phân quyền cho cấp xã là bước đi tất yếu, giúp chính quyền cơ sở đủ năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý mới. Phân quyền mạnh mẽ không chỉ tạo điều kiện để địa phương chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành mà đẩy nhanh việc triển khai các quyết sách , phù hợp với thực tiễn từng địa bàn. Đặc biệt, cấp xã gần dân nhất, khi được trao quyền và có năng lực xử lý tốt sẽ giúp bộ máy chính quyền thực sự gần dân, sát dân và vì dân.

Sau hơn 20 ngày triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, người dân tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự thay đổi tích cực trong cách chính quyền cơ sở phục vụ. Bà Nguyễn Thị Gái, ở xã Khánh Cường cho biết, sau khi sắp xếp cấp xã, ấn tượng của tôi khi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã là phòng ốc rộng rãi, sạch sẽ; cán bộ, công chức tiếp đón nồng hậu và giải quyết thủ tục nhanh gọn. Người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Tuy nhiên, việc chuyển một lượng lớn công việc về cấp xã cũng phát sinh không ít khó khăn khi nhân lực chưa đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, một số địa phương chưa quen với khối lượng công việc mới, tâm lý ngại trách nhiệm... Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Phạm Quốc Vương cho biết, thẩm quyền tăng lên đi đôi với trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã phải ngày càng cao hơn. Đặc biệt, đối với một số thủ tục hành chính cần phải kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng trình tự hồ sơ, thủ tục mới có thể giải quyết kịp thời và đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi đã thể hiện quyết tâm, xem phân quyền là động lực thay đổi bộ máy Nhà nước theo hướng gần dân hơn. Phân quyền mạnh, rõ ràng, đúng người, đúng việc là chìa khóa để mô hình chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục rườm rà.

THẢO MINH

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/day-manh-phan-quyen-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-54848.htm