Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình

PTĐT - Những năm qua, Việt Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, tại các xã đang phấn đấu xây dựng trở thành xã nông thôn mới. Việc chú trọng phát triển trồng trọt và chăn nuôi nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở địa phương, qua đó, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân.

Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế sang nuôi gà thịt đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Huân, khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì

Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế sang nuôi gà thịt đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Huân, khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì

PTĐT - Những năm qua, Việt Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, tại các xã đang phấn đấu xây dựng trở thành xã nông thôn mới. Việc chú trọng phát triển trồng trọt và chăn nuôi nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở địa phương, qua đó, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân.Gia đình anh Nguyễn Quốc Huân, khu 2, xã Kim Đức sau 3 năm chuyển đổi kinh tế với mô hình nuôi gà thương phẩm làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng điều kiện vườn rộng, mỗi năm, gia đình anh nuôi 4 – 5 lứa gà thịt, mỗi lứa hơn 1 vạn con, nuôi trong vòng 3 – 4 tháng có thể xuất chuồng, giá bán từ 50 – 60 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Huân cho biết: Cũng nhờ học hỏi kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà thịt từ các lớp tập huấn tại địa phương và kinh nghiệm của các gia đình có nhiều năm nuôi gà thương phẩm nên tôi chọn giống gà chủ yếu là gà minh dư, nuôi nhanh lớn, thịt ngon, ít bệnh. Hầu hết gà thương phẩm của gia đình đều được các thương lái đặt mua tận nơi, không phải tự bán lẻ. Ông Triệu Văn Trạch ở khu 5, xã Hy Cương lại được nhiều người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với 15 năm gắn bó mô hình trồng bưởi Diễn mang lại thu nhập 300 triệu đồng/năm. Với lợi thế đất đai màu mỡ, bưởi lại hợp đất nên cây sai quả, lại ngon, ngọt, thanh mát. Đến nay, gia đình ông có vườn bưởi Diễn 600 gốc, mỗi gốc cho thu từ 100- 200 quả, giá bán ra từ 30 – 40 nghìn đồng/quả; ngoài ra, ông còn trồng thêm gần 1 mẫu cây đinh lăng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Không những tạo việc làm cho lao động, ông đã hướng dẫn cho nhiều hộ gia đình tại địa phương tham gia mô hình trồng bưởi, ông Trạch còn hướng cho các con mở rộng diện tích và phát triển diện tích cây bưởi, hiện nay các con trai của ông Trạch cũng mỗi người một vườn bưởi hàng trăm gốc, đem lại công việc ổn định và phát triển kinh tế cho gia đình. Ông Trạch chia sẻ: Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm, mà giống bưởi không phải gốc quê mình nên cũng lo lắng, nhưng phần vì học tập kinh nghiệm tại vùng bưởi gốc và mày mò thêm kỹ thuật qua sách báo như phân bón, phòng chống sâu bệnh nên dần dần vườn bưởi cũng cho thu nhập ổn định”.

Vườn bưởi Diễn với hàng trăm gốc của gia đình ông Trạch, khu 5, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì luôn được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi thu hoạch.

Vườn bưởi Diễn với hàng trăm gốc của gia đình ông Trạch, khu 5, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì luôn được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi thu hoạch.

Hiện nay trên địa bàn xã Hy Cương, có hơn 20 hộ trồng bưởi theo mô hình nhà ông Trạch, đem lại thu nhập ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình. Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, xã đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với các đoàn thể để tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Xã còn liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.Hội nông dân thành phố Việt Trì hiện có trên 11.300 hội viên, sinh hoạt tại 14 hội cơ sở. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội đã triển khai thực hiện kế hoạch đến 100% các chi hội; trong đó tổng số hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 8.600 hộ. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.

Thông qua mô hình phát triển kinh tế, Hội đã vận động tương trợ giúp đỡ trong nội bộ nông dân giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo vươn lên làm giàu: Các cấp hội tương trợ giúp đỡ lẫn nhau tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, 338 ngày công lao động, hỗ trợ con giống, cây giống giá trị 223 triệu đồng; số hộ nông dân được giúp đỡ 165 hộ, số hộ nghèo được các cấp giúp đỡ trực tiếp 3 hộ, phối hợp với các tổ chức đoàn thể giúp đỡ 8 hộ, xóa 3 nhà tạm. Các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình đều phát huy được hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, các hộ tương trợ giúp đỡ các hội viên khác có việc làm thường xuyên, thời vụ, cho thu nhập khá, đảm bảo ổn định đời sống. Ông Nguyễn Văn Thấn - Phó Chủ tịch Hội nông dân thành phố cho biết: Từ khi thực hiện chủ trương vận động nông dân phát triển kinh tế hộ, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm đáng kể. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế thông qua các hội, đoàn thể liên kết với các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay; tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201906/day-manh-phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh-165257