Đẩy mạnh tăng gia sản xuất để đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ ở các đồn Biên phòng
Đóng quân tại địa bàn các xã biên giới, vùng biển, đảo với điều kiện địa hình, giao thông, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, song với tinh thần tự lực, tự cường, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các đồn Biên phòng trên hai tuyến biên giới của tỉnh Quảng Trị đã khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, huy động các nguồn lực để phát triển mô hình tăng gia sản xuất (TGSX) tại đơn vị. Từ đây, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, đáp ứng nhu cầu hằng ngày và cải thiện, nâng cao đời sống cho CBCS tại các đơn vị.
Khu vườn TGSX của Đồn Biên phòng Cồn Cỏ trên đảo tiền tiêu quanh năm xanh mướt, nổi bật trên đồi cao với địa chất cơ bản là đá sỏi cằn cỗi và một phần ít đất màu. Để có được khu TGSX ấy là kết quả của sự nỗ lực hết mình của tập thể CBCS đơn vị. Nhìn những luống rau xanh đủ loại như: Rau cải, rau dền, rau muống, mồng tơi xanh tốt khắp khu vườn, phần nào thấy được tinh thần, trách nhiệm của CBCS đối với công tác TGSX. Sau giờ học tập, huấn luyện, tuần tra mỗi ngày, CBCS của đồn lại tập trung tại khu vườn này. Hằng năm, mùa khô trên đảo kéo dài cùng với đó là gió mang theo hơi nước biển mặn lên đảo khiến việc TGSX vô cùng khó khăn.
Để đảm bảo nguồn nước ngọt canh tác, CBCS trong đơn vị đã tận dụng nguồn nước mưa dự trữ trong bể chứa, thu gom, tận dụng nước thải từ nhà ăn và sau khi tắm giặt, tiến hành xử lý bằng cách lắng, lọc rồi mới tưới rau. Bên cạnh đó, để khắc phục điều kiện đất đai khô cằn, nhiều đá, sỏi, CBCS của đồn đã chủ động bỏ công sức san lấp mặt bằng, vận chuyển đất màu từ nơi khác về để bổ sung lớp đất mặt. Nhờ vậy, sau một thời gian nỗ lực lao động, đơn vị đã có diện tích đất màu, được bố trí khoa học, đảm bảo để trồng các loại rau theo mùa vụ. Đóng quân ở huyện đảo Cồn Cỏ, vào mùa mưa bão hay mùa biển động, có lúc cả tháng trời, các phương tiện tàu thuyền không thể ra vào đất liền tiếp tế thực phẩm tươi xanh, nhưng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ luôn chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ, đảm bảo cho bộ đội ăn quanh năm. Hiện nay, đơn vị đã duy trì nuôi trên 50 con dê, 30 con lợn, 4 con bò, hàng trăm con gà, vịt và các loại rau xanh, cây ăn quả phù hợp theo mùa.
Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cho biết: “Về mùa mưa bão, đơn vị gặp khó khăn về nguồn thực phẩm. Do vậy, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường TGSX, luôn đảm bảo nguồn thực phẩm đạt trên 78% để phục vụ đời sống CBCS và nhân dân trên đảo khi cần thiết. Đồng thời, đảm bảo dự trữ thực phẩm theo quy định của ngành hậu cần để đảm bảo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội theo chế độ khu vực biển, đảo”.
Trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Quảng Trị, các đơn vị ngoài trồng các loại rau xanh, còn chú trọng việc phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: Bò, lợn, dê, gà, vịt... Trong đó, ấn tượng như mô hình chăn nuôi lợn rừng lai tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đồn Biên phòng Thuận, đảm bảo theo một quy trình khép kín. Khu chuồng trại chăn nuôi lợn của hai đơn vị này được chia thành nhiều ô khác nhau để phục vụ việc nuôi lợn sinh sản, rồi chăm sóc cho đến khi lợn trưởng thành có thể xuất chuồng. Nhờ chủ động được nguồn giống, mỗi đơn vị luôn duy trì được tổng đàn lợn thường xuyên trên 50 con, ngoài ra còn nuôi hàng trăm con gà, vịt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại các đồn Biên phòng, các khu chăn nuôi tập trung được xây dựng kiên cố và tách biệt với khu làm việc, nghỉ ngơi để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời không ảnh hưởng tới sinh hoạt của CBCS và môi trường xung quanh. Các đơn vị cũng tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh thường xuyên chuồng trại chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm, tẩy trùng ở những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Đặc biệt, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã tập trung vào nuôi bò, dê, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác.
Để đáp ứng nguồn thức ăn đầy đủ quanh năm cho gia súc, gia cầm, các đơn vị đã tích cực cải tạo đất đai, thực hiện mô hình vườn, chuồng liên kết phù hợp với đặc điểm địa hình từng nơi đóng quân. Ngoài ra, tận dụng thân, lá cây chuối, rau các loại được trồng tại các đơn vị và trên địa bàn đóng quân. Diện tích đất tại các đơn vị có hạn, bởi vậy, bên cạnh việc tận dụng tối đa đất để TGSX, các đồn Biên phòng còn đầu tư xây hệ thống vườn, chuồng trại với quy hoạch theo hướng tập trung, phân khu chức năng hợp lý, hiệu quả. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế và thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương.
Thiếu tá Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Quảng Trị cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác TGSX, trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn hậu cần trong tổ chức và thực hiện công tác TGSX ở các đơn vị. Huy động các nguồn lực để đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng đơn vị để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào TGSX để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm”.
Từ những kết quả trong công tác TGSS ở các đồn Biên phòng đã tạo ra nguồn thực phẩm tại phòng ổn định, chất lượng, góp phần giữ Firm và nâng cao đời sống cho bộ đội. Kết quả TGSS không chỉ cải thiện đời sống cho bộ đội, tạo nguồn thu cho đơn vị, mà còn giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho CBCS tích cực tham gia xây dựng đơn vị, thực hiện tốt chức năng năng lực “đội quân lao động, nhà sản xuất”, tư vấn tham gia phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn đóng quân.