Đẩy mạnh thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu

Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, vừa đáp ứng yêu cầu trong nước, vừa nỗ lực góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này, thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Vó tôm - NSNA Trương Hoàng Thêm.

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Vó tôm - NSNA Trương Hoàng Thêm.

Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới, xu hướng gia tăng số vụ thiên tai và hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp diễn; tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, hạn hán ngày càng dày đặc và nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới trong 10 năm tới, đặc biệt tại những nước đang phát triển chịu nhiều rủi ro thiên tai.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, các hiện tượng khí hậu cực đoan đã được ghi nhận với cường độ mạnh hơn, tần suất cao hơn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro đối với tài sản, sinh kế và hạ tầng đô thị ở khu vực ven biển, gia tăng ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, tăng nguy cơ lũ, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực trung du, miền núi phía bắc và duyên hải miền trung.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2022, khí hậu cực đoan đã gây thiệt hại ước khoảng 10 tỷ USD. Dự báo biến đổi khí hậu sẽ là một trong các tác nhân làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của nước ta, nếu không có các giải pháp ứng phó hiệu quả thì có thể tổn thất từ 2 đến 4,5% GDP.

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng nếu có những giải pháp linh hoạt, phù hợp thì biến đổi khí hậu có thể là cơ hội để thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; phát triển công nghiệp xanh và tạo việc làm mới; chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch, thu hút nguồn lực tài chính và công nghệ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm, thực chất và hiệu quả các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong 10 năm qua, nước ta đã tham gia 18 điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với năm 2020.

Việt Nam cũng đã tích cực triển khai Cơ chế phát triển sạch (CDM) và trở thành một trong bốn quốc gia có dự án đăng ký nhiều nhất sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ. Đáng chú ý, triển khai thực hiện các cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2000 và 2022 gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan đã tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu. Các địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu; quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhiều địa phương tích cực triển khai các dự án nâng cao sức chống chịu khí hậu; đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải, phát triển các nhà máy điện rác, phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm năng lượng.

Một số chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục kiện toàn, tăng cường nhân lực của tổ chức, bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp bối cảnh mới; đẩy mạnh thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với bảo đảm an ninh lương thực, phát triển hệ thống giao thông xanh; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển hệ thống nông nghiệp thông minh phát thải thấp.

Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP26 với trọng tâm thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trong các ngành, lĩnh vực; tập trung rà soát việc thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để tổng hợp phục vụ đánh giá nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vấn đề này gắn với chuyển đổi số của ngành và quốc gia; xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch phát triển khí thải nhà kính và tín chỉ carbon... nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-thuc-hien-cam-ket-ve-bien-doi-khi-hau-post854447.html