Đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và phát triển
Theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới - chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang Dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Để hiểu rõ hơn về thực hiện chính sách Dân số và phát triển, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những chuyển biến của công tác dân số tỉnh Ninh Bình sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21?
Ông Phạm Ngọc Cương: Nghị quyết 21 được ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, đề cao vai trò của công tác dân số đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương và trong toàn quốc. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương, đơn vị cũng đã ban hành các chương trình hành động và kế hoạch để triển khai phù hợp trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội dung của Nghị quyết và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể được quán triệt, triển khai, tuyên truyền thông qua các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép các sự kiện và truyền thông tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng. Qua đó nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành. đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã được nâng cao. Công tác dân số đã được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài và được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị.
Qua đó từng bước làm cho công tác dân số được thay đổi căn bản đặc biệt là chuyển trong tâm từ KHHGĐ sang Dân số và phát triển, công tác dân số của tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc và thu được nhiều kết quả tích cực. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được tăng cường; nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số có nhiều đổi mới, đa dạng hóa về nội dung tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng và có sự kết hợp giữa các biện pháp truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại có theo công nghệ 4.0 và chuyển đổi số.
Các cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số được hoàn thiện phù hợp với thực tế của tỉnh; quan tâm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; các chương trình tầm soát bệnh tật bẩm sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh tăng hàng năm, ước năm 2022 là 77,1%; tỷ lệ trẻ em sàng lọc sơ sinh vượt chỉ tiêu hàng năm, ước năm 2022 là 75,1%; tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn ngày càng tăng; tỷ lệ người cao tuổi được quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình và cộng đồng đạt 56,4%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm, năm 2022 ước tỷ lệ sinh 32,36%, giảm 0,36% so với năm 2021...
PV: Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức của ngành Dân số tỉnh hiện nay?
Ông Phạm Ngọc Cương: Hiện nay, công tác dân số tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết, như: số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao (theo công bố của Tổng cục Thống kê trong 3 năm từ 2014 - 2016) là 2,94 con/phụ nữ (năm 2016). Đến năm 2021, tổng tỷ suất sinh là 2,41 con/phụ nữ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao (năm 2017 là 22,08%, năm 2021 là 32,7%). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao (năm 2017 là 112,71 và năm 2021 là 112,04 bé trai/100 bé gái). Chất lượng dân số tuy đã được nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa bền vững, nhất là ở vùng xa, nông thôn, ven biển.
Mô hình tổ chức dân số chưa ổn định, mạng lưới cán bộ làm công tác dân số thường xuyên biến động ảnh hưởng lớn tới việc triển khai các hoạt động dân số. Một số cán bộ dân số, nhất là ở xã, thôn chưa thực sự yên tâm công tác; bên cạnh đó kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động còn hạn chế. Công tác tham mưu của cán bộ dân số các cấp còn hạn chế, hiệu quả tham mưu chưa cao. Kinh phí chi cho công tác dân số trong những năm gần đây chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là tuyến huyện, xã. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, tư tưởng muốn đông con, nhiều cháu, trọng nam hơn nữ vẫn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và tăng sinh ở một số địa phương.
Hướng dẫn cộng tác viên dân số xã Khánh Thượng (Yên Mô) cập nhật thông tin dữ liệu dân số.
PV: Vậy các giải pháp mà ngành Dân số-KHHGĐ tỉnh triển khai nhằm thực hiện hiệu quả chính sách Dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh là như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Cương: Nguyên nhân những hạn chế nói trên phần lớn bắt nguồn từ việc chưa nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết số 21; sự quan tâm chỉ đạo của một số cấp ủy chưa quyết liệt; việc đầu tư cho công tác dân số còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu...
Thời gian tới, để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 21, ngoài những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và ngành Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu cho BCĐ Dân số và phát triển tỉnh, Sở Y tế tập trung triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như: ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển phù hợp với đặc điểm cụ thêở̉ địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng người cao tuổi, thanh niên, công nhân, phụ nữ, nam giới…
Ổn định bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về dân số cơ bản cho tuyến huyện, xã. Tiếp tục tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, nâng cao chất lượng thu thập thông tin ban đầu để đồng bộ thông tin, dữ liệu với các phần mềm quản lý dân số - y tế của ngành. Đổi mới hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh truyền thông qua mạng Internet, mạng xã hội và các nền tảng số khác.
PV: Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm 2022, ngành Dân sốKHHGĐ tỉnh quan tâm đến những hoạt động gì, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Cương: Chủ đề Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay là "Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững", Chi cục Dân số - KHHGĐ đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12 trong toàn tỉnh.
Theo đó, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, thực hiện các tin, bài, phóng sự đăng tải và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức diễu hành, cổ động bằng xe ô tô có trang trí pa nô, khẩu hiệu trên các trục đường chính của tỉnh tuyên truyền về ý nghĩa, chủ đề Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12.
Cùng với đó, tăng cường triển khai các dịch vụ về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn và khám tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, vị thành niên, thanh niên... Tiếp tục tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, nhất là cộng tác viên; tổ chức biên soạn, sản xuất các sản phẩm truyền thông cung cấp cho các đơn vị phục vụ công tác truyền thông tại cộng đồng...
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Vân (Thực hiện)