Đẩy mạnh tích hợp cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng chuyển đổi số
Cơ sở dữ liệu (CSDL) được ví như 'trái tim' của chuyển đổi số. Tích hợp, tạo nền tảng CSDL trên môi trường số không chỉ giúp việc điều hành, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp được thuận lợi, nhanh chóng, toàn diện mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công...
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh Thanh Hóa.
Không còn phải mang nhiều loại giấy tờ như: chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), sổ khám bệnh... mỗi lần đi khám chữa bệnh như trước, giờ đây, chỉ với thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp đã tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội (BHXH) số.
Bà Hoàng Thị Tho, xã Hà Đông (Hà Trung), cho biết: “Từ ngày được con trai cài đặt ứng dụng BHXH số vào điện thoại, tôi không còn phải mang nhiều loại giấy tờ mỗi khi đi khám bệnh, thời gian chờ đợi làm các thủ tục khám bệnh cũng giảm rất nhiều so với trước”.
Hiện nay, BHXH đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 7 dịch vụ trên ứng dụng VssID- BHXH số. Như vậy, tất cả các TTHC của ngành BHXH đều được thực hiện trên không gian số. Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH tỉnh Thanh Hóa đã cập nhật thông tin khám chữa bệnh tại 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT; hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý thẻ BHYT hộ gia đình; kết nối liên thông CSDL đăng ký khai sinh Bộ Tư pháp với CSDL quốc gia về BHXH để thực hiện liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi...
Không chỉ ngành BHXH, việc xây dựng, vận hành các CSDL tạo nền tảng cho chuyển đổi số được tỉnh Thanh Hóa triển khai đạt hiệu quả cao. Đã hoàn thành cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp; việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các ngành, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngoài các ứng dụng dùng chung của tỉnh; các ngành, đơn vị còn triển khai các ứng dụng chuyên ngành, xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nhằm phục vụ công tác quản lý.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh tại 3 điểm (bao gồm 2 trạm quan trắc môi trường không khí; 1 trạm quan trắc môi trường nước biển) cơ bản cung cấp thông tin, đưa ra những phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục cập nhật dữ liệu, nâng cấp bổ sung CSDL đảm bảo tích hợp các CSDL quốc gia. Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các cơ sở giáo dục đã tiến hành chuẩn hóa thông tin, làm sạch dữ liệu trên CSDL ngành GD&ĐT do Bộ GD&ĐT triển khai. Gần 80% số lượng bản ghi về nhân sự, học sinh trong toàn ngành đã thực hiện xác thực định danh với CSDL quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Cục CNTT, Bộ GD&ĐT. Ngành y tế cũng đã triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở y tế với hệ thống quản lý BHXH để chi trả chế độ theo quy định. Lĩnh vực tư pháp đã xây dựng CSDL lý lịch tư pháp và phần mềm quản lý hộ tịch đến cấp xã; phần mềm quản lý hồ sơ công chứng; phần mềm quản lý xử lý vi phạm hành chính. Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đã xây dựng CSDL hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; CSDL thông tin về hồ sơ người có công; CSDL tài chính trợ cấp ưu đãi người có công... và các hệ thống phần mềm và CSDL này đều được triển khai đồng bộ tại 27/27 UBND các huyện, thị xã, thành phố...
Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã tích hợp 19 các hệ thống phần mềm, CSDL đang được tích hợp dịch vụ liên thông, chia sẻ dữ liệu thông qua LGPS (11 phần mềm triển khai trong tỉnh; 8 dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được kết nối qua LGSP của tỉnh). Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo tỉnh; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 8/8 chế độ báo cáo trên hệ thống.
Đã thực hiện kết nối giữa hệ thống giám sát, đo lường EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông để thu thập và đánh giá dữ liệu của 3 loại đối tượng gồm: cổng thông tin điện tử; cổng dịch vụ công; hệ thống một cửa điện tử.
Thực hiện việc chuyển đổi, đồng bộ mã định danh điện tử theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 28-1-2022 về phê duyệt Danh mục mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên địa bàn tỉnh; đã thực hiện cập nhật toàn bộ mã định danh điện tử (gồm: 66 mã cấp 2; 1.247 mã cấp 3 và 24 mã cấp 4) vào Hệ thống Danh mục điện tử dùng chung (https://dmdc.ngsp.gov.vn) do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thí điểm trung tâm giám sát, điều hành thông minh đảm bảo đầy đủ các chức năng, tính năng theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng 8 phân hệ giám sát chuyên ngành - lĩnh vực và thí điểm trợ lý ảo để hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động; ngoài ra còn triển khai thí điểm trợ lý ảo trong công việc tại Tòa án Nhân dân tỉnh, trước mắt tập trung vào hỏi đáp quy định trong văn bản pháp luật và hỏi đáp các tình huống quản lý nhà nước theo ngành.
Các hệ thống dùng chung này phần lớn được quản lý, vận hành tại Trung tâm CNTT tỉnh Thanh Hóa với trang thiết bị được đầu tư hiện đại và được coi như bộ não của hạ tầng CNTT của tỉnh, đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông - là nơi tập trung các thiết bị CNTT và viễn thông chuyên dụng với khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, hệ thống bảo mật an toàn dữ liệu, hệ thống phụ trợ, mạng diện rộng, mạng chuyên dùng.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, các nền tảng này vận hành tốt, giúp cho việc quản lý, điều hành của các cấp, ngành được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm. Đồng thời giúp thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trên môi trường số và đặc biệt, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ an sinh xã hội một cách thuận lợi, hiệu quả nhất. Trong năm 2022, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 3.436.164 lượt văn bản; tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 99,07%; đã có sự thay đổi tích cực từ cách làm việc hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử, công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 159 dịch vụ công mức độ 3 và 716 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 815 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 917.255 hồ sơ; đã xử lý 882.473 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,94%. Hệ thống cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoạt động ổn định, hiệu quả, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023, ngành thông tin và truyền thông sẽ tăng cường tham mưu, triển khai công tác xây dựng, tích hợp CSDL dùng chung của tỉnh với mục tiêu tạo lập và khai thác tối ưu dữ liệu hiện có để tạo ra giá trị mới, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.