Đẩy mạnh tích lũy tín chỉ các-bon rừng giúp cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân, Việt Nam đẩy mạnh phát triển rừng, đồng thời tích lũy tín chỉ các-bon rừng, đem lại nguồn thu nhập cho địa phương.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến năm 31/12/2022, Việt Nam đã có 14,79 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 42%, trong đó 10,13 triệu ha rừng tự nhiên và 4,66 triệu ha rừng trồng.
Rừng ở nước ta tập trung chủ yếu ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ duyên hải miền Trung – nơi có địa hình đồi núi và dốc. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 5,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt cao nhất trong các vùng trên cả nước với 54,2%, các địa phương đều có tỷ lệ che phủ rừng từ 43% đến gần 70%; tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc với 5,4 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 53,8%...
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp, Việt Nam đẩy mạnh phát triển rừng. Theo các tổ chức quốc tế, trồng rừng là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội như xóa đói giảm nghèo và một trong những mục tiêu hiện nay là tích trữ carbon để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu cùng các lợi ích môi trường khác.
Tại Việt Nam, hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh công tác trồng rừng với mục tiêu không chỉ giúp cải thiện môi trường sống, điều tiết chu trình nước, giảm thiên tai lũ lụt, ngăn chặn xói mòn đất mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế, tích lũy tín chỉ các-bon rừng, đem lại nguồn thu nhập cho địa phương. Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng). Nguồn tiền thu được một phần tiền chi cho các hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Thời gian qua, tín chỉ carbon rừng đang được ngành Lâm nghiệp quan tâm bởi việc phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Theo các chuyên gia môi trường, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với thị trường tín chỉ carbon rừng, hiện nay Bộ NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải như sau:
Thứ nhất, là thỏa thuận ERPA Bắc Trung bộ, được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF), nhằm chuyển nhượng lượng GPT 10,3 triệu tấn carbon dioxide ở vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024, với đơn giá 5 USD/tấn carbon - tương đương 51,5 triệu USD. Khoảng 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC).
Tuy nhiên, theo Báo cáo kết quả giảm phát thải kỳ 1 (giai đoạn 2018 - 2019) đã được WB xác nhận, kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ đạt 16,21 triệu tấn carbon. Việt Nam hoàn thành chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon cho WB và đã tiếp nhận 51,5 triệu USD. Đối với 5,91 triệu tấn carbon còn dư, WB đã đồng ý mua bổ sung 1 triệu tấn carbon. Lượng tín chỉ còn dư 4,91 triệu tấn, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ hai, là thỏa thuận ERPA Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vào ngày 31/10/2021, tại COP26, Việt Nam đã ký kết Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF). Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn carbon với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.
Để tận dụng tiềm năng việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cùng các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về loại dịch vụ mới này, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, đo đạc, kiểm định theo tiêu chuẩn, đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ, kết nối và huy động sự đóng góp, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế ....