Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản miền Bắc
Báo cáo của Tổ công tác 3430 (Bộ NN&PTNT) ngày hôm nay (30/8) cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp ở các tỉnh phía bắc còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng giảm.
Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía bắc trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ công tác 3430), giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng (mức tăng từ 10-40% so với đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng).
Cụ thể, tại Lào Cai, giá bán rau xanh giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Đáng chú ý, mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9-11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến trong tháng 9/2021, 2.000 tấn sau thu hoạch cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ. Tương tự tại Lai Châu, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng hiện nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn. Mặt hàng chè khô tồn kho khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng còn hạn chế…
Trong Báo cáo về một số vấn đề trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp các tỉnh phía bắc và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gửi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan hôm nay (30/8), Tổ công tác 3430 (Bộ NN&PTNT) kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.
Xem xét hỗ trợ giảm ít nhất một nửa chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất chế biến phải duy trì "3 tại chỗ" (nhất là các nhà máy, kho lạnh).
Cùng với đó, đàm phán song phương với các nước đang xuất siêu nguồn thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam có chính sách ưu đãi về thương mại, trước hết là đối với các sản phẩm: Ngô, lúa mỳ, đậu tương, khô đậu tương, cám chiết ly… từ thị trường Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Australia, Ukraine, Nga…
Kiểm soát thực hiện chính sách về giá đối với vận chuyển hàng hóa; chỉ đạo, tư vấn địa phương ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp thực tế với tình hình của các doanh nghiệp.
Xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Bộ đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp Số hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản phía bắc để phê duyệt trước ngày 10/9.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/day-manh-tieu-thu-nong-san-mien-bac/444617.vgp