Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hội nghị 'Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 10' do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Khánh Hòa, được trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tại hội nghị, ngành Ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng ổn định, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế các tỉnh trong khu vực.

Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng

Khu vực 10 thuộc địa bàn hoạt động và quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 10 gồm 5 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Thế mạnh của các tỉnh trong khu vực này là du lịch, cảng biển, logistics, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Mạng lưới các khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở các tỉnh trong khu vực đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được thực hiện, như Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường kết nối Lâm Đồng - Ninh Thuận... Nhờ vậy, thị trường bất động sản và các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực này có tiềm năng phát triển.

Theo ông Bùi Huy Thọ, Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 10, để góp phần phát triển kinh tế các tỉnh trong khu vực, thời gian qua, đơn vị đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng. Cụ thể là chỉ đạo, giám sát các ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, thông suốt; tận dụng hiệu quả cơ chế phối hợp với các ngành trên địa bàn để khơi thông tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh Khu vực 10 còn đa dạng nội dung, hình thức thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tham gia các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, thông tin lãi suất đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn…

Đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng tại Khu vực 10 là hơn 446.000 tỉ đồng, giảm 0,49% so với cuối năm 2024, chiếm 2,83% tổng dư nợ tín dụng của cả nước. “Mặc dù, các ngân hàng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, song tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tại khu vực này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng chung toàn quốc (tăng 0,8%). Nguyên nhân chính là do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn do năng lực tài chính hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi”, ông Bùi Huy Thọ cho biết.

Kiến nghị giảm lãi suất, ổn định tỉ giá

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ra các đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận) cho hay doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Hiện công ty đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, nhưng để phát triển bền vững thì rất cần sự đồng hành của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng. Theo đó, ông Thông đề xuất cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì lãi suất hợp lý, ổn định tỉ giá và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. “Từ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN, lãi suất cho vay hiện nay đã giảm, lãi suất cho vay USD thấp nhưng biến động tỉ giá quá lớn nên doanh nghiệp ngại vay USD”, ông Thông nói.

Thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, duy trì ổn định lãi suất huy động. Đồng thời tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các dự án trọng điểm quốc gia…

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

Ông Huỳnh Vĩnh Phước, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Nam Vân Phong (Khánh Hòa) thì mong muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới; đồng thời có chính sách ưu đãi hơn đối với các khoản vay mới khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Phú Yên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần vốn để tái cơ cấu đầu tư. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn NHNN quan tâm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn; đồng thời có các gói cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường.

Tại hội nghị, đại diện của các tổ chức tín dụng đã chia sẻ về các chương trình cho vay ưu đãi và cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Ông Đặng Hoài Đức, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng này dự kiến tăng trưởng tín dụng hơn 16% tại các tỉnh Khu vực 10. Theo đó, Vietcombank sẽ tập trung vào các ngành hạ tầng giao thông, bất động sản khu công nghiệp và các dự án đường cao tốc, đồng thời gia tăng các sản phẩm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân qua các dịch vụ ngân hàng số và giải ngân online. Còn theo đại diện Agribank, ngân hàng cam kết tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tỉnh Khu vực 10. Agribank cũng đề xuất chính quyền các địa phương giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong việc triển khai các dự án đầu tư.

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng giảm lãi suất, ổn định tỉ giá để tiếp cận vốn thuận lợi. Ảnh: LÊ HẢO

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng giảm lãi suất, ổn định tỉ giá để tiếp cận vốn thuận lợi. Ảnh: LÊ HẢO

Không để nền kinh tế thiếu vốn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của tín dụng ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. “Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỉ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 5 tỉnh của Khu vực 10 (8-13%) đòi hỏi toàn ngành Ngân hàng nói chung và tại Khu vực 10 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc cân đối, đảm bảo cung tín dụng, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân để góp phần thúc đẩy yếu tố cầu và đẩy mạnh kết nối cung - cầu tín dụng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp”, Phó Thống đốc thường trực NHNN nói.

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, duy trì ổn định lãi suất huy động. Đồng thời tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thủy sản, lúa gạo và các dự án trọng điểm quốc gia; chú trọng đầu tư vào các dự án, công trình trọng điểm, tín dụng xanh, tín dụng phục vụ phát triển các ngành thế mạnh của vùng, địa phương… NHNN cũng sẽ phối hợp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại Khu vực 10. Ngành Ngân hàng cam kết tiếp tục cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp, không để thiếu tín dụng trong nền kinh tế.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202503/day-manh-tin-dung-ngan-hang-thuc-day-tang-truong-kinh-te-4264c05/