Đẩy mạnh vốn tín dụng cho doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ
Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Thành lập NHNN Khu vực 12 và định hướng phát triển tín dụng
Ngày 1/4, tại tỉnh Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt NHNN Khu vực 12, đồng thời triển khai Hội nghị chuyên đề với chủ đề "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 12".
Tham dự Hội nghị có, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đến từ các tỉnh thuộc khu vực 12, bao gồm Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Việc thành lập NHNN Khu vực 12 được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và góp phần ổn định hệ thống tài chính khu vực.

Ghi chú hình: Hội nghị chuyên đề với chủ đề "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 12” tổ chức vào ngày 1/4
Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam, đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng GDP cả nước. Theo số liệu từ NHNN, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2025 của khu vực đạt hơn 1.189.327 tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định tại khu vực này không chỉ giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh mà còn tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của NHNN, khu vực Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng thu hút vốn đầu tư và tăng quy mô dư nợ tín dụng nhờ vào những dự án kinh tế lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Các dự án này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi toàn diện của nền kinh tế khu vực.
Trong thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân. Các gói tín dụng ưu đãi được triển khai hiệu quả, bao gồm tín dụng lãi suất thấp cho ngành lâm sản, thủy sản, cùng với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Ngoài ra, NHNN cũng đã thực hiện các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, góp phần tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp.

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội khu vực 12 hiện đang cấp tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thông qua 21 chương trình tín dụng khác nhau. Tính đến ngày 28/2/2025, tổng dư nợ cho vay từ hệ thống này đạt 25.470 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.
Mục tiêu và giải pháp mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chính sách tín dụng ưu tiên, định hướng mở rộng tín dụng hiệu quả trong năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo kế hoạch, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả nước ở mức 16%, tương ứng với 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực 12 cần mở rộng quy mô tín dụng khoảng 189.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: Ngành ngân hàng khu vực 12 cần quán triệt tinh thần tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Phó Thống đốc cũng đề xuất các ngân hàng thương mại trong khu vực tích cực triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiêu dùng và phát triển cơ sở hạ tầng.

Ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 12
Đồng thời, NHNN khu vực 12 cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các chính sách tín dụng phù hợp, tạo kết nối chặt chẽ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, bảo đảm việc tiếp cận vốn nhanh chóng, giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính.
Việc đẩy mạnh tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. NHNN khu vực 12 cần tiếp tục thích nghi với mô hình hoạt động mới, chủ động kết nối với chính quyền và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả cung cấp tín dụng. Sự phối hợp giữa hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế khu vực trong thời gian tới.