Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội cho thấy, trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 72,65 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 275,18 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,8%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 5,02 tỷ USD.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 140,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 15,4%, chiếm 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,3 tỷ USD, tăng 11,8%, chiếm 71,6%.
Trong 4 tháng đầu năm 2025 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 67,5%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2025 ước đạt 35,42 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 13,42 tỷ USD, giảm 4,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,0 tỷ USD, giảm 3,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 tăng 18,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 135,08 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50,18 tỷ USD, tăng 18,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,9 tỷ USD, tăng 16,6%. Trong 4 tháng đầu năm 2025 có 25 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 83,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong khi đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Chia sẻ với báo chí về mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đây là một mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Để thực hiện thành công mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại quốc tế, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.
Song song với đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2025, xuất khẩu hàng hóa sẽ còn đối diện với những biến động thất thường của tình hình thế giới, song Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó có nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu gạo.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về thương mại biên giới; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu đang lấy ý kiến tổng kết tình hình triển khai Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP).
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 8/3/2018, đã đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Luật Quản lý ngoại thương, tạo điều kiện khai thác hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, và góp phần phòng chống gian lận thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động xuất nhập khẩu, thực tiễn đã phát sinh nhiều tình huống, yêu cầu mới chưa được đề cập hoặc cần điều chỉnh trong Nghị định hiện hành.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định thay thế với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa Luật Quản lý ngoại thương, đồng thời bổ sung các quy định, biện pháp phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Dự thảo Nghị định mới được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng pháp lý đồng bộ, rõ ràng hơn cho việc xác định xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao, với tỷ trọng lớn đến từ các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và dịch vụ giá trị gia tăng. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.