Đẩy nhanh thực hiện các dự án chống ngập
Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh thực hiện các dự án chống ngập theo Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là triển khai dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất. Khi các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân...
Cống ngăn triều Phú Xuân đang được xây dựng tại huyện Nhà Bè - một trong những công trình chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trị giá gần 10.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ tháng 6-2016, dự kiến đến tháng 4-2018 sẽ hoàn thành. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù đã hoàn thành hơn 90% khối lượng xây dựng, công trình vẫn liên tục lùi ngày được đưa vào sử dụng. Đỉnh điểm của sự chậm trễ là từ tháng 12-2020 đến nay, công trình phải tạm ngừng thi công.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, hợp đồng và phụ lục hợp đồng ký kết với chủ đầu tư ghi rõ thành phố sẽ thanh toán cho chủ đầu tư bằng tiền mặt và 16% bằng đất, hoặc 100% bằng diện tích đất hoán đổi. Chủ trương này đã được HĐND thành phố thông qua. Tuy nhiên, theo quy định, hình thức thanh toán nêu trên phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại chưa tiến hành việc này trước khi ký hợp đồng. Chính vì vậy, thành phố không đủ cơ sở pháp lý để hoán đổi đất cho nhà đầu tư khi công trình sắp hoàn thành.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp từ các cấp, các ngành để triển khai đúng tinh thần đã được Nghị quyết đề ra, sớm đưa dự án về đích, đáp ứng lòng mong mỏi của hàng triệu người dân thành phố”.
Để gỡ vướng cho dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”, theo đề nghị của UBND thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP. Thủ tướng đánh giá đây là dự án quan trọng, cấp bách của thành phố Hồ Chí Minh, cần sớm hoàn thành để giải quyết ngập. Vì thế, Chính phủ chấp thuận cho thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù, bảo đảm lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Theo nghị quyết, UBND thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình tổ chức thực hiện hoàn thành dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản của Nhà nước.
Cùng với việc khai thông dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố (chủ đầu tư) vừa đề xuất Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh về việc đầu tư hơn 1.980 tỷ đồng để cải tạo kênh Hy Vọng (tuyến kênh thoát nước chính), chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Kênh Hy Vọng hiện đang có nguy cơ ách tắc dòng chảy nghiêm trọng do rác thải nghẽn dòng, lòng kênh nhiều đoạn bị thu hẹp do lấn chiếm. “Mỗi khi mưa lớn, kênh Hy Vọng khó tiêu thoát nước nên khu vực sân bay Tân Sơn Nhất dễ bị úng ngập. Bởi vậy, chúng tôi mong tuyến kênh được đầu tư, cải tạo sớm để khu vực này không bị úng ngập, người dân khu vực không còn khổ với mùi hôi thối hằng ngày.”, ông Trịnh Quyết Thắng, một người dân ngụ phường 15, quận Tân Bình, chia sẻ.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, dự án cải tạo kênh Hy Vọng sẽ tập trung tiêu thoát nước mưa chống ngập úng cho sân bay Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực hơn 51ha. Hai bên bờ kênh sẽ làm đường giao thông để chống lấn chiếm và tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Dự án góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống, dự kiến được thực hiện giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.