Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản

Từ mã số vùng nuôi trồng thủy sản sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Việc các vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản có mã cũng thích ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp số hiện nay. Từ những yêu cầu trên, Chi cục Thủy sản đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Từ mã số vùng nuôi trồng thủy sản sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Việc các vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản có mã cũng thích ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp số hiện nay. Từ những yêu cầu trên, Chi cục Thủy sản đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở xã Hiền Lương (Đà Bắc), tuy nhiên cũng như nhiều địa phương, số cơ sở nuôi chưa đăng ký mã số, chưa được cấp mã số lồng bè vẫn chiếm đại đa số.

Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở xã Hiền Lương (Đà Bắc), tuy nhiên cũng như nhiều địa phương, số cơ sở nuôi chưa đăng ký mã số, chưa được cấp mã số lồng bè vẫn chiếm đại đa số.

Theo Sở NN&PTNT, tỉnh Hòa Bình có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14,5 nghìn ha mặt nước. Toàn tỉnh có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ phân bố trên địa bàn 10 huyện, thành phố.

Tận dụng tiềm năng sẵn có, thời gian qua, Hòa Bình có nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh mới có 1.700 lồng cá thì đến nay đã tăng lên gần 5.000 lồng, sản lượng trên 7.000 tấn/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 1.600 lao động. Tham gia nuôi cá lồng không chỉ có các hộ dân ven hồ mà đã có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hiện trên hồ Hòa Bình có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, trong đó có các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư. Sản phẩm thủy sản phong phú, đa dạng, gồm: cá tươi sống, cá phile, cá một nắng, cá hun khói và các sản phẩm chế biến sâu đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao…

Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao nhãn hiệu chứng nhận cho hai sản phẩm "Tôm sông Đà Hòa Bình” và "Cá sông Đà Hòa Bình”. Chủ sở hữu hai nhãn hiệu này là Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hòa Bình. Đến năm 2023, chủ sở hữu đã cấp 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cá Sông Đà - Hòa Bình”. Đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, huyện Tân Lạc - Mai Châu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị cá sông Đà và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh tại Hòa Bình. Tuy nhiên hiện nay, các cơ sở nuôi cá lồng bè đa số chưa đăng ký, chưa được cấp mã số lồng bè. Trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi, lồng bè… đã được triển khai từ lâu. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở đăng ký còn khá hạn chế gây trở ngại cho việc truy xuất nguồn gốc, không đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Được biết năm 2019, tỉnh Hòa Bình có cấp mã số cơ sở nuôi cho 1 đơn vị là Công ty TNHH thương mại đầu tư Việt Đức, địa chỉ cơ sở nuôi tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc.

Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký của chính quyền một số địa phương còn chậm. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số; nhiều cơ sở đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong thực hiện chuyển đổi mục đích chuyển đổi đất; nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa có hợp đồng cho thuê đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định…

Việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng giống như cấp "giấy khai sinh" cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm. Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản cần được đẩy nhanh hơn nữa để tạo đà tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản. Để làm được điều đó cần sớm tháo gỡ những vấn đề, vướng mắc liên quan nhằm sớm cấp được nhiều mã số vùng nuôi thủy sản, tạo cơ sở pháp lý và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

"Giải pháp trước mắt là xử lý những vướng mắc trong thời gian vừa qua, đó là hồ sơ về giấy tờ đất cũng như cấp mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho bà con mình. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con hiểu và thực hiện tốt quy định này. Dự kiến trong năm 2024, Chi cục sẽ hoàn thành việc cấp mã số lồng bè nuôi cá" - đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.

Cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp mã số cơ sở vùng nuôi thủy sản, mỗi người dân tham gia nuôi trồng thủy sản cũng cần nhận thức rõ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi là việc làm cần thiết để tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản, từ đó khẳng định thương hiệu thủy sản sông Đà - Hòa Bình trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191857/day-nhanh-tien-do-cap-ma-so-vung-nuoi-trong-thuy-san.htm