Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào năm 2025

Cụ thể, tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào năm 2025.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; các dự án quan trọng, động lực như Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Hòa Liên - Túy Loan, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh…; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ; đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài.

Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng

Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc.

Có giải pháp đột phá, thiết thực, hiệu quả, nhất là cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cơ chế, chính sách để xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các định mức xây dựng để phục vụ các dự án trọng điểm của ngành giao thông; suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. Khẩn trương triển khai thu phí các đường cao tốc và bán quyền thu phí đường cao tốc theo quy định để có nguồn lực tiếp tục đầu tư hạ tầng chiến lược.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Điện lực (sửa đổi).

Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen; khởi động lại điện năng lượng hạt nhân, phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, điều kiện, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), Quảng Trạch 1 (1.430 MW). Triển khai thi công và hoàn thành đường 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường 500 kV Monsoon - Thạch Mỹ.

Đẩy mạnh thương mại hóa 5G; nghiên cứu công nghệ 6G

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh thương mại hóa 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Tổ chức thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, nhằm đảm bảo chất lượng Internet trên mạng di động 3G, 4G, 5G, chất lượng dịch vụ Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON, quy định về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông…

Phát triển, hoàn thiện, tối ưu hóa các nền tảng theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng tỷ lệ sử dụng địa chỉ thế hệ mới IPv6 trên mạng Internet Việt Nam lên 70% vào năm 2025.

Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

Chú trọng phát triển hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa thủy lợi... xung yếu, bị hư hại, có rủi ro, nguy cơ mất an toàn.

Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giống nông lâm nghiệp, các công trình cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn, đảm bảo người dân tại nông thôn được cấp đầy đủ nước sạch.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-01-nq-cp-day-nhanh-tien-do-chuan-bi-hoan-thien-thu-tuc-dau-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-119250113173738217.htm