Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Nhiều giải pháp được nhà đầu tư đứng đầu liên danh tại dự án đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chăng (tỉnh Lạng Sơn) đưa ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó có việc nghiên cứu tổ chức phong trào thi đua về đích, triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trên diện rộng, khích lệ đơn vị tư vấn thiết kế, tăng cường theo dõi, giám sát thông qua cơ quan báo chí, đôn đốc thường xuyên công tác thi công của các nhà thầu...

Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án (DNDA) tại dự án đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, thiết kế kỹ thuật của dự án này đã thực hiện đạt 77%, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-9-2024. Các nhà thầu đã huy động 102 nhân sự có kinh nghiệm, tay nghề cao, 86 đầu xe máy móc, thiết bị, triển khai 8 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã được bàn giao.

 Bình đồ tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Bình đồ tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Về công tác giải phóng mặt bằng, DNDA đã nhận bàn giao 7,1km trên tổng số 60km với diện tích 47,72ha trên tổng số 563,77ha của dự án, tương đương 11,83%. DNDA đang tiếp tục phối hợp cùng địa phương và các nhà thầu tích cực tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, đồng thời, tổ chức phong trào thi đua nhằm thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại một số đoạn cần ưu tiên tổ chức thi công. Đại diện DNDA cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết mưa liên tục, cùng với khó khăn do mặt bằng nhận bàn giao vẫn còn “xôi đỗ” nên ảnh hưởng đến công tác thi công. DNDA đang làm việc với địa phương, ưu tiên giải phóng mặt bằng phạm vi các cầu để tập trung triển khai thi công, thúc đẩy sản lượng, bảo đảm tiến độ dự án.

 Các nhà thầu tập trung nhân sự có kinh nghiệm, phương tiện, máy móc, thiết bị chuyên dụng có công suất lớn để triển khai thi công đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng. Ảnh: TUẤN LINH

Các nhà thầu tập trung nhân sự có kinh nghiệm, phương tiện, máy móc, thiết bị chuyên dụng có công suất lớn để triển khai thi công đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng. Ảnh: TUẤN LINH

Đối với vấn đề thiếu bãi đổ thải, DNDA đề xuất phương án tận dụng đất đá đào còn dư, bảo đảm chất lượng để đắp nền đường với chiều rộng 6 làn xe (giai đoạn hoàn thiện), thực hiện ngay trong giai đoạn 1 của dự án (thực hiện tại các gói thầu EC01, EC04). Phương án này dự kiến giải quyết được 2,2 triệu mét khối đất đá không phải đổ thải. Đối với một số phân đoạn thuộc gói thầu EC02 và EC03, trong quá trình thực hiện thiết kế kỹ thuật sẽ căn cứ tình hình thực tế từng phân đoạn, thiết kế nền theo quy mô hoàn chỉnh đối với một số đoạn đào sâu để tận dụng vật liệu đắp nhằm cân bằng đào và đắp theo từng gói thầu.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư đứng đầu liên danh dự án) đề nghị các nhà thầu thi công (đồng thời là nhà đầu tư dự án) cần chủ động trong công tác triển khai, tương tác với nhà đầu tư đứng đầu liên danh. Đồng thời, phối hợp với DNDA, đơn vị tư vấn thiết kế lập danh sách các phân đoạn đường găng tiến độ để tập trung thiết kế, giải phóng mặt bằng. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả đề nghị các cố vấn cho dự án về kỹ thuật, an ninh, kiểm toán tăng cường kiểm tra, tham mưu cho DNDA; đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện thiết kế kỹ thuật theo mốc đề ra, có cơ chế khích lệ đơn vị tư vấn nếu hoàn thành tốt. Các nhà thầu cần rà soát lại các công việc, lên tổng thể tiến độ thi công, đăng ký với DNDA, báo cáo tỉnh Lạng Sơn để làm cơ sở theo dõi, kiểm soát tiến độ. Đáng chú ý, nhà đầu tư này yêu cầu DNDA và đơn vị tư vấn phối hợp triển khai ứng dụng BIM trên diện rộng dự án trong thiết kế, thi công, quản lý dự án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức nghiệm thu áp dụng BIM.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, DNDA cần nghiên cứu tổ chức phát động phong trào thi đua về đích để động viên các nhà thầu, nhằm thúc đẩy hoạt động thi công toàn dự án, trước tiên đối với các mốc thi công tính đến hết tháng 12-2024. Các cơ quan báo chí địa phương cần được xem như kênh theo dõi, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu. DNDA cho biết hiện đang tăng cường công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân tại dự án về áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong thi công, an toàn lao động, phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch đào tạo và cấp chứng chỉ BIM cho các nhà thầu thi công dự án.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng có tổng chiều dài 60km, gồm đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km và đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam dài 17km, được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, do nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Theo kế hoạch đề ra, dự án sẽ được thông tuyến vào tháng 12-2025, hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026, phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tạo động lực phát triển các tỉnh khu vực Đông Bắc, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

TRANG LIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-du-an-cao-toc-cua-khau-huu-nghi-chi-lang-790208