Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử

Chiều 10-3, Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP (về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, phát biểu kết luận cuộc họp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, phát biểu kết luận cuộc họp

Với việc ban hành Nghị quyết 17, lần đầu tiên Việt Nam có kế hoạch tổng thể về triển khai CPĐT. Một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng CPĐT là khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cùng với đó, việc xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng/năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến năm 2020, những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển CPĐT Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ ngành, tỉnh thành trực thuộc Trung ương; 98% quận huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng CPĐT đã được xây dựng.

Có thể nói, trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số (đến nay có khoảng 40 nền tảng “Make in Vietnam” được ra mắt). Đến nay, tất cả các bộ ngành, địa phương đã có trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, môi trường pháp lý cho CPĐT chưa thực sự hoàn thiện; một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành, nhất là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp (mới đạt 31%); hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển CPĐT là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình xây dựng CPĐT trong thời gian tới; tăng cường chuyển đổi số quốc gia, giao dịch điện tử, phát triển nhiều sản phẩm chuyển đổi số “Make in Vietnam”. Song song đó, triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính; Bộ TN-MT đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao phải được chú trọng phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, chủ động chia sẻ cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan nhà nước khác. Thủ tướng nêu rõ, an toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là điều kiện tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số; không thể xây dựng CPĐT mà coi nhẹ an toàn thông tin.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/day-nhanh-tien-trinh-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-717983.html