Dạy thêm, học thêm 'đứng hình' chờ hướng dẫn

Hoạt động phụ đạo trong nhà trường, dạy thêm ngoài trường học đã tạm dừng từ ngày 14-2 để chờ hướng dẫn thực hiện Thông tư 29/2024 /TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm đã có hiệu lực.

Một buổi học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). Ảnh:C.Nghĩa

Một buổi học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). Ảnh:C.Nghĩa

Nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con em được học thêm, đặc biệt là giáo viên có nhu cầu dạy thêm đang mong chờ các cơ quan quản lý hoạt động này sớm hướng dẫn về thủ tục đăng ký, cấp phép kinh doanh hoạt động dạy thêm.

Bối rối vì ngắt quãng học thêm

Em Phạm Thị Thanh Hương, học sinh lớp 12, Trường trung học phổ thông (THPT) Lâm nghiệp (tại huyện Trảng Bom), cho biết trước ngày 14-2, em được học 2 buổi/ngày, trong đó có 1 buổi chính khóa, 1 buổi còn lại là phụ đạo có thu phí. Nhưng từ ngày
14-2, nhà trường đã tạm dừng hoạt động phụ đạo và chưa biết khi nào thì mở lại. Em có phần lo lắng vì học kỳ 2 là thời gian cao điểm củng cố và nâng cao kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và xét tuyển vào đại học.

Nhiều học sinh khối 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2025, trước đây có học thêm ở nhà giáo viên, nay đã phải tạm dừng học thêm, “chờ” giáo viên đi xin giấy phép. Em Lê Trọng Phước, học sinh Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa), cho hay: “Em phải dừng học thêm ở thời điểm này là một bất lợi, không khác gì đang “chạy nước rút” chuẩn bị cho thi cử mà phải đi chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình củng cố kiến thức và điểm số của học kỳ 2, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới cũng như xét tuyển vào đại học”.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH đã ký Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7-2-2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Công điện của Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định.

Một giáo viên làm công tác chủ nhiệm tại Trường THPT Trấn Biên (thành phố Biên Hòa) cho rằng, Thông tư 29 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực vào thời điểm đầu học kỳ 2 là khá nhạy cảm với học sinh, nhất là với học sinh lớp 9 và 12. Điều băn khoăn là thông tư ra đời nhưng vẫn phải “chờ” hướng dẫn mới thực hiện được, điều này không chỉ giáo viên và phụ huynh khá sốt ruột.

Hiệu trưởng một trường THPT nằm trong tốp đầu về chất lượng dạy và học của tỉnh cho hay, trường có không ít giáo viên dạy giỏi, luyện thi “mát tay” nên thường thu hút nhiều học sinh đến nhà học thêm. Khi Thông tư 29 có hiệu lực với những quy định khá “ngặt” về điều kiện tổ chức dạy thêm, nhất là dạy thêm ngoài trường học, giáo viên đã tạm dừng hoạt động này để chờ xin giấy phép.

Ảnh hưởng đến học sinh

Phó hiệu trưởng một trường THPT ở thành phố Biên Hòa cho hay, đầu năm học, nhà trường có thu một khoản tiền học 2 buổi/ngày để dạy phụ đạo cho học sinh lớp 12 củng cố kiến thức. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường đã dừng ngay hoạt động dạy phụ đạo có thu phí và tạm thời dạy miễn phí. Nếu vì không được thu phí mà dừng luôn cả việc dạy phụ đạo sẽ ảnh hưởng đến học sinh. Riêng với số tiền học 2 buổi/ngày đã thu nhưng chưa học, sau ngày 14-2 nhà trường sẽ trả lại phụ huynh, hoặc cấn trừ vào những khoản thu khác nếu có.

Ngay cả các trung tâm ngoại ngữ có liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường phổ thông công lập theo đề án của tỉnh cũng đang bị ảnh hưởng bởi Thông tư 29. Giám đốc đối ngoại của một trung tâm Anh ngữ tại thành phố Biên Hòa cho biết: “Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, có trường đã yêu cầu chúng tôi dừng ngay dạy tiếng Anh tăng cường. Điều này ảnh hưởng tới doanh thu và việc sắp xếp việc làm cho giáo viên nước ngoài”.

Dù Thông tư 29 đã có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện nên đến nay việc cấp phép kinh doanh dạy thêm vẫn chưa thể thực hiện. Một cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh tại Bộ phận Một cửa của UBND thành phố Biên Hòa cho biết: “Thời gian qua, có khá nhiều cá nhân đến hỏi về thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm, thế nhưng chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục và điều kiện cấp phép hoạt động dạy thêm nên chưa thể triển khai cho các cá nhân có nhu cầu”.

Theo Sở GDĐT, trước mắt sở đã chỉ đạo các trường phổ thông công lập tạm dừng hoạt động dạy học 2 buổi/ngày có thu phí và khuyến khích tiếp tục dạy 2 buổi/ngày không thu phí để hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức. Trong thời gian tới, khi có hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện cấp phép hoạt động kinh doanh dạy thêm, sở sẽ thông báo rộng rãi cho các nhà trường và cá nhân có nhu cầu dạy thêm được biết để thực hiện cho đúng quy định. Trong thời gian chờ hướng dẫn thực hiện Thông tư 29, các trường phải chú trọng phân loại học sinh, nhất là những học sinh có học lực trung bình, yếu, học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT để có kế hoạch hỗ trợ ôn tập đảm bảo chất lượng dạy và học.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202502/day-them-hoc-them-dung-hinh-cho-huong-dan-afb4771/