Dạy THPT phải có bằng đại học, Hải Phòng gặp khó trong lựa chọn GV Nghệ thuật
Sở GD&ĐT Hải Phòng đưa ra giải pháp, tùy theo điều kiện và số lượng học sinh đăng ký có thể liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy môn Nghệ thuật.
Khó khăn trong tuyển dụng giáo viên môn Nghệ thuật
Năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 bậc trung học phổ thông.
Trong đó, cấp học này có môn học mới hoàn toàn là Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) được đưa vào môn học lựa chọn.
Môn Lịch sử cũng được thay đổi từ môn lựa chọn thành môn học có phần bắt buộc với 52 tiết/năm học.
Trước những thay đổi trên, nhiều địa phương gặp khó khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên môn Lịch sử và các môn thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
Thông tin về tình trạng thừa, thiếu giáo viên của cấp trung học phổ thông khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, trước sự thay đổi môn Lịch sử thành môn học bắt buộc với số tiết 52 tiết/năm, số tiết này đúng bằng số tiết khi học chương trình 2006, nên nếu trường nào có lớp chọn học một chuyên đề nâng cao là Lịch sử thì sẽ thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên triển khai dạy môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới với chỉ một khối lớp 10 nên hiện tại các trường vẫn có đủ giáo viên để đáp ứng được yêu cầu thay đổi trên.
Đối với môn Công nghệ theo chương trình mới gồm 2 nội dung đó là Nông nghiệp trồng trọt; Thiết kế và công nghệ nên giáo viên hiện đang dạy 2 môn theo chương trình 2006 có thể đáp ứng đủ chương trình mới.
Có một số bộ môn giáo viên chưa đủ số tiết quy định, sẽ được nhà trường phân công giảng dạy đúng chuyên môn theo chủ đề ở Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.
Khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại chính là việc sắp xếp, giảng dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) khi các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều chưa có giáo viên bộ môn này.
Lý giải tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, giáo viên dạy trung học phổ thông phải có bằng đại học, nên việc lựa chọn giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật là khó khăn.
Bên cạnh đó, do chưa được giao biên chế nên đến hiện tại tất cả trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều chưa thể tuyển dụng giáo viên giảng dạy môn Nghệ thuật.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đưa ra giải pháp gì?
Trong thời gian tới, sau khi được giao bổ sung biên chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng sẽ phân bổ kịp thời số người làm việc cho các trường trung học phổ thông nhằm đáp ứng số lượng giáo viên và nhu cầu học tập của học sinh năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở đã hướng dẫn các trường, trước mắt xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với đội ngũ hiện có.
Nếu học sinh lựa chọn những môn học mà trường chưa có giáo viên thì cần tuyên truyền, định hướng để các em lựa chọn môn học khác phù hợp.
Sau khi có kết quả tổng hợp từ các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục định hướng điều chuyển giáo viên sao cho phù hợp, không riêng 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật mà cho tất cả môn học để đảm bảo có lớp phải có giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố.
Để khắc phục tạm thời khó khăn chung của các trường trung học phổ thông trên địa bàn khi không có giáo viên giảng dạy môn Nghệ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, môn học này là lựa chọn nên học sinh có thể chọn hoặc không.
Do đó, Sở đưa ra giải pháp, tùy theo điều kiện của từng trường và tùy vào số lượng học sinh đăng ký (tự chọn) có thể tổ chức dạy trực tiếp tại trường hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy học các môn tự chọn này.
Như vậy, có thể vận dụng một giáo viên Âm nhạc, hay Mỹ thuật dạy theo cụm trường để bảo đảm thuận lợi, phù hợp, chất lượng, hiệu quả.
Số liệu thống kê đội ngũ giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện cấp trung học cơ sở ở Hải Phòng có 162 giáo viên môn Âm nhạc và 112 giáo viên môn Mỹ thuật có trình độ đại học.
Theo đó, Sở đã chỉ đạo các trường trung học phổ thông chủ động hợp đồng với một số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đang dạy trung học cơ sở trên địa bàn, nếu đủ điều kiện.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của học sinh.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện tại các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt về thiết bị dạy và học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình.
Hiện, Sở đã hướng dẫn các nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tiếp nhận mọi nguồn lực tài trợ của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhà trường bảo đảm rõ mục đích tài trợ và sử dụng các nguồn tài trợ đúng mục đích, công khai, minh bạch đúng quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu các nhà trường sử dụng tối đa cơ sở vật chất bảo đảm chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình; phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu dạy học điện tử để hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho cấp trung học phổ thông và hỗ trợ phần mềm soạn bài giảng, tài liệu điện tử cho 100% các nhà trường.