'Dạy thực - học thực - chất lượng thực'

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm học để phát triển sự nghiệp giáo dục và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời góp phần tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của xã hội đối với các chủ trương đổi mới của ngành.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được điều chỉnh, mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 712 đơn vị với hơn 331 ngàn học sinh, sinh viên. Toàn ngành có gần 23 ngàn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao (Mầm non đạt chuẩn 95,3%, trên chuẩn 39,7%; Tiểu học đạt chuẩn 99,8%, trên chuẩn 31,6%; THCS đạt chuẩn 99,8%, trên chuẩn 78%; THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 30%; TCCN đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 5,2%; Cao đẳng đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 40%). Hiện toàn ngành có 8.665 đảng viên, đạt tỷ lệ 38,25%.

Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Lâm Đồng thời gian qua là tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80,57%, vượt chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Cơ sở vật chất trường lớp vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Cơ sở vật chất trường lớp vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua

Theo bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ GDĐT, lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm chăm lo, ủng hộ của các cấp, các ngành, của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua dạy tốt - học tốt đã được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên quán triệt và có chuyển biến mạnh mẽ.

Từ năm 2015 đến nay, ngành GDĐT Lâm Đồng đã tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt các phong trào thi đua gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua ‘Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của cả nước và địa phương như thi đua thực hiện “Chương trình xây dựng nông thôn mới”, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đây là bước đột phá trong công tác thi đua của ngành, tạo không khí mới, chấn chỉnh kỷ cương, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Cùng với đó là các phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng đội ngũ nhà giáo giàu năng lực, phẩm chất, tâm huyết với nghề, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo điều kiện để học sinh tham gia học tập, rèn luyện kỹ năng sống, thu hút các em đến trường mỗi ngày.

Hàng năm, ngành GDĐT Lâm Đồng đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua của Bộ GDĐT, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt xuất sắc. 5 năm qua, Sở GDĐT Lâm Đồng liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GDĐT, năm 2018 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính hàng năm nằm trong top 4 của 20 sở, ngành trong toàn tỉnh.

Từ năm 2015 - 2019, ngành Giáo dục Lâm Đồng có 4 tập thể và 5 cá nhân được tặng Huân chương Lao động; 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 5 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 9 tập thể và 9 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 39 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT và của UBND tỉnh; 99 tập thể và 332 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 105 lượt tập thể đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; 149 cá nhân được công nhận Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 2.646 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 1.646 cá nhân trong ngành, 59 cá nhân ngoài ngành được Bộ trưởng Bộ GDĐT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”.

Học sinh Lâm Đồng lắp ráp thành công máy trợ thở DVILATOR 19/20 thông qua lập trình máy tính và được Quỹ Dariu đánh giá là sản phẩm xuất sắc nhất trong các sản phẩm của những địa phương tham gia dự án.

Học sinh Lâm Đồng lắp ráp thành công máy trợ thở DVILATOR 19/20 thông qua lập trình máy tính và được Quỹ Dariu đánh giá là sản phẩm xuất sắc nhất trong các sản phẩm của những địa phương tham gia dự án.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục

Thời gian qua, ngành GDĐT Lâm Đồng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn, giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc. Toàn ngành triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, dạy học hướng vào cá nhân học sinh, đề cao dạy phương pháp tự học, tăng cường tính chủ động cho học sinh, dạy kỹ năng thích ứng với cuộc sống, thực hiện tích hợp một số nội dung trong giảng dạy; dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng; phương châm “dạy chữ để dạy người”, “dạy thực - học thực - chất lượng thực” được quán triệt trong toàn ngành. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN); đánh giá thực chất giáo dục phổ thông... Do đó, chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các ngành học, cấp học ổn định, chuyển biến tích cực.

Một số kết quả nổi bật như: việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non khá tốt, duy trì đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi tại 100% các huyện, thành phố. Đến tháng 5/2019, công nhận duy trì 147/147 xã, tỷ lệ 100% số xã đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi; Đối với giáo dục phổ thông, ý thức học tập, chất lượng giáo dục thực chất của học sinh đã chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ổn định ở mức cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp được quan tâm. Học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT khá ổn định về số lượng, chất lượng giải. Học sinh THPT tham gia và đoạt giải tại nhiều cuộc thi quốc tế. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng bình quân hàng năm từ 60% đến 65% - tỷ lệ khá cao so với các tỉnh trong khu vực. Hàng năm có nhiều học sinh xuất sắc, đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học. Công tác PCGD tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng. Giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Giáo dục chuyên nghiệp có nhiều cố gắng nâng chất lượng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Giáo dục vùng dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn có nhiều tiến bộ, khởi sắc; hệ thống trường phổ thông DTNT và phổ thông dân tộc bán trú phát triển, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông DTNT, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 33,33%).

Năm học 2019 - 2020 vừa qua, Sở GDĐT đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong tình hình dịch COVID-19. Kết quả, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 99,54% (tăng 2,07% so với năm 2019), cao nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên; điểm thi trung bình xếp thứ 14/60 tỉnh, thành phố (không tính Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk).

Đặc biệt, theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và điểm các môn ở học bạ lớp 12 do Bộ GDĐT công bố, Lâm Đồng là tỉnh có mức chênh lệch thấp đứng thứ 4 trên cả nước. Điều này phản ánh đúng thực chất chất lượng dạy và học, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi ở địa phương.

“Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp dạy học; coi chất lượng đào tạo là vấn đề then chốt để củng cố, nâng cao niềm tin của xã hội đối với giáo dục tỉnh nhà. Đồng thời, xây dựng một số trường, đặc biệt là trường chuyên có thương hiệu trong khu vực Tây Nguyên và quốc gia. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị để hình thành các cơ sở giáo dục hiện đại. Tăng cường phối hợp với các các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đóng góp tích cực hơn cho giáo dục và đào tạo của Lâm Đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải nhấn mạnh.

VIỆT HÙNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202010/giao-duc-lam-dong-day-thuc-hoc-thuc-chat-luong-thuc-3025644/