Cần cơ chế để giáo viên yên tâm làm tấm gương mẫu mực của xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Nhà giáo cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, cơ sở để nghề giáo thực sự khôi phục được vị thế cao quý được sự tôn trọng của toàn xã hội.

Sáng ngày 9-11, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo.

Phát biểu tại phiên họp tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng Luật Nhà giáo cần phải đặt ra yêu cầu cao hơn đối với nhà giáo, mỗi giáo viên phải trở thành một tấm gương mẫu mực, chuẩn mực trong nhà trường và xã hội.

“Dự thảo Luật Nhà giáo hiện chỉ nói nhà giáo phải mẫu mực, gương mẫu trong hoạt động nghề nghiệp, theo tôi thì không chỉ trong nghề nghiệp, mà kể cả trong hoạt động xã hội, cộng đồng thì nhà giáo cũng phải mẫu mực”- ông nói.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Theo ông, nhà giáo phải có nghĩa vụ chịu sự giám sát của xã hội, cộng đồng. Cộng đồng có quyền phản ánh các hành vi không chuẩn mực của nhà giáo tới các cơ quan chức năng.

“Theo tôi dự thảo Luật Nhà giáo nên quy định vấn đề này, tuy nhiên cần cấm không đưa các thông tin này lên mạng khi chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Chúng ta cho phép giám sát cộng đồng, nhưng giám sát cộng đồng là để cung cấp đến các cơ quan quản lý chứ không phải được tự do tung các thông tin đó trên mạng” – đại biểu Cường cho hay.

Về việc đánh giá nhà giáo (quy định tại điều 26 dự thảo Luật Nhà giáo), theo đại biểu Cường, không nên đánh giá nhà giáo như một viên chức bình thường.

“Việc đánh giá phân loại này phải có ý kiến của cộng đồng, của cha mẹ học sinh và của xã hội. Như vậy sẽ tạo ra sự phấn đấu, nỗ lực của nhà giáo” – ông nêu quan điểm.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp "tôn sư trọng đạo" của dân tộc, tuy nhiên bà bày tỏ lo lắng khi thời gian qua, ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều khó khăn, khiến tinh thần này bị suy giảm.

“Liệu Luật Nhà giáo có thể giải quyết được những thách thức mà giáo viên đang gặp phải trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là những mặt trái hiện nay?”, đại biểu nêu câu hỏi và mong muốn chính sách của luật phải tạo các điều kiện, cơ sở để nghề giáo thực sự khôi phục được vị thế cao quý, thầy cô giáo nhận được sự tôn trọng xứng đáng từ xã hội.

Về chính sách tiền lương, đại biểu Lan dẫn thực tế nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ và sinh viên sư phạm mới ra trường, chưa thể sống đủ với thu nhập hiện tại. Theo đó, đại biểu đề nghị cần có thêm các chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm; chính sách hỗ trợ và đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; chính sách lương hấp dẫn để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục…

 Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Trước đó, trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, dự thảo luật quy định, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật, cũng như tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.

“Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, ông Sơn nói.

Dự thảo luật cũng quy định các chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-co-che-de-giao-vien-yen-tam-lam-tam-guong-mau-muc-cua-xa-hoi-post819076.html