ĐB lo ngại nguy cơ xâm nhập của người nước ngoài núp danh nghĩa du lịch
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng an ninh.
Sáng nay, QH thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, cần phải cân nhắc quy định miễn thị thực nhập cảnh cho người vào các khu kinh tế ven biển, khu hành chính kinh tế đặc biệt vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Theo bà Thúy, dự thảo luật có đưa ra điều kiện ràng buộc là không làm ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, nhưng có thể thấy là điều kiện này không có ý nghĩa thực tiễn.
Bà cho hay, dự thảo lấy lý do luật hóa quyết định 80 năm 2013 của Thủ tướng về việc ban hành một số cơ chế đặc thù phát triển huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là người nước ngoài vào đây được miễn thị thực 30 ngày mà thiếu bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết tiếp tục thực hiện quy định này.
ĐB cho rằng, thực tế hơn 4 năm thực hiện ở một huyện đảo xa đất liền là Phú Quốc không có nghĩa là có thể áp dụng cho các khu vực kinh tế ven biển.
Theo bà Thúy, trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài dưới danh nghĩa du lịch.
“Thiết nghĩ việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, bà Thúy nêu ý kiến.
ĐB cho hay, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng an ninh, khi việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo.
ĐB Đà Nẵng cũng đề nghị QH cân nhắc quy định giao Chính phủ quy định trường hợp người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển có nhu cầu đến các địa điểm khác của VN.
Theo bà, cần quy định nội dung trong luật để đảm bảo tính nhất quán giữa các quy định của luật. Nếu giao Chính phủ quy định thì QH cần đưa ra nguyên tắc không cho phép người nước ngoài đi tiếp vào nội địa.
Không thể miễn một cách vô điều kiện
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng không đồng tình với đề xuất miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo hướng luật hóa quyết định 80 năm 2013 của Thủ tướng thí điểm với đảo Phú Quốc.
Bà đề nghị UB Quốc phòng - An ninh không dễ dãi trong việc thẩm định, với tinh thần nghiêm túc để làm sao khi trình ra QH với tinh thần đồng thuận cao nhất, phục vụ vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, dự thảo quy định các điều kiện của khu kinh tế ven biển có thể miễn thị thực cho người nước ngoài như phải có sân bay quốc tế… nhưng đối với người vào lại không có bất kỳ điều kiện nào.
“Nếu theo quy định này thì cứ vào khu kinh tế ven biển thì đương nhiên được miễn thị thực. Chúng tôi cho rằng như vậy quá lỏng lẻo”, ông Nghĩa nói.
ĐB đề nghị quy định những người vào khu kinh tế ven biển như nhà đầu tư, người lao động, người làm ăn… và xác minh được họ có mục đích như vậy thì có thể miễn, còn tất cả những người khác thì làm theo quy định bình thường.
Ông Nghĩa cho biết, chúng ta đã miễn thị thực theo các hiệp định thương mại tự do, miễn thị thực đơn phương, có thể xin thị thực điện tử hay ngay tại sân bay.
“Với những điều kiện như vậy thì không việc gì miễn một cách vô điều kiện đối với bất kỳ người nào vào khu kinh tế ven biển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông, nếu quy định như dự thảo thì dễ nảy sinh vấn đề dễ dãi, lỏng lẻo, công việc của chúng ta càng tăng lên, trách nhiệm bảo vệ an toàn của chúng ta càng vất vả, lực lượng bảo vệ của chúng ta càng quá tải, nguy cơ rủi ro tăng thêm rất nhiều, có khi còn phải tăng thêm lực lượng để bảo đảm an toàn.