ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần tận dụng sức mạnh của công nghệ để lan tỏa giá trị văn hóa

Trong kỷ nguyên hội nhập, đầu tư vào văn hóa và giải trí không chỉ là việc bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn phát triển những sản phẩm mang tính sáng tạo, hiện đại và phù hợp với xu hướng toàn cầu.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa và giải trí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên mới. (Nguồn: Quochoi)

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa và giải trí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên mới. (Nguồn: Quochoi)

Văn hóa - sức mạnh mềm làm nên bản sắc

Là một đại biểu Quốc hội và người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, ông nhận định như thế nào về vai trò của văn hóa, giải trí trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu?

Tôi cho rằng, văn hóa và giải trí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là sức mạnh mềm làm nên bản sắc, vị thế và sức hút của quốc gia trên trường quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị văn hóa càng trở nên thiết yếu, bởi nó không chỉ giúp chúng ta gìn giữ và phát huy truyền thống mà còn tạo ra những lợi thế cạnh tranh độc đáo, đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Lĩnh vực giải trí là một phần không thể tách rời của văn hóa. Nhìn những gì đã diễn ra với các bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải, hay các chương trình concert âm nhạc “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, có thể thấy đây là ngành công nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra giá trị kinh tế lớn, đồng thời thúc đẩy sự giao thoa văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Các sản phẩm giải trí như phim ảnh, âm nhạc, game hay các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể mà còn là cách để quảng bá những giá trị đặc sắc của Việt Nam ra thế giới.

Trong kỷ nguyên hội nhập, đầu tư vào văn hóa và giải trí không chỉ là việc bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn phát triển những sản phẩm mang tính sáng tạo, hiện đại và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Các ngành công nghiệp văn hóa và giải trí cần được định hướng như một nguồn lực chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng cường tình yêu nước, đoàn kết, tự hào dân tộc.

Tận dụng tốt tiềm năng từ văn hóa và giải trí không chỉ tạo dựng được một nền tảng phát triển vững chắc cho đất nước, mà còn khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam như một quốc gia giàu bản sắc, sáng tạo và hội nhập sâu rộng trong cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, các hình thức giải trí trực tuyến ngày càng phổ biến, ông có cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc hay không?

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự phổ biến của các hình thức giải trí trực tuyến chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Các nền tảng số và nội dung trực tuyến đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận, tiêu thụ và lan tỏa giá trị văn hóa. Trong một số trường hợp, điều này có thể khiến các giá trị truyền thống bị mai một, đặc biệt khi chúng không được tiếp cận một cách hấp dẫn hoặc không phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.

Tuy nhiên, công nghệ cũng mang lại nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các nền tảng số có thể trở thành kênh truyền tải hiệu quả, giúp văn hóa truyền thống tiếp cận với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Ví dụ, việc số hóa các di sản văn hóa, phát triển các sản phẩm nghệ thuật truyền thống dưới dạng nội dung trực tuyến, hay sáng tạo các hình thức giải trí dựa trên yếu tố văn hóa dân gian có thể vừa bảo tồn giá trị cốt lõi, vừa làm mới cách tiếp cận.

Màn bắn pháo hoa kết hợp trình diễn drone và diễu hành trên sông. (Nguồn: Tổ quốc)

Màn bắn pháo hoa kết hợp trình diễn drone và diễu hành trên sông. (Nguồn: Tổ quốc)

Vậy làm thế nào để chúng ta bảo tồn được những giá trị văn hóa cốt lõi?

Để bảo tồn được những giá trị văn hóa cốt lõi trong bối cảnh này, chúng ta cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.

Thứ nhất, phải đẩy mạnh giáo dục ý thức văn hóa, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ và trân trọng giá trị truyền thống.

Thứ hai, cần khuyến khích sự sáng tạo trong việc tích hợp văn hóa truyền thống vào các sản phẩm giải trí hiện đại, giúp các giá trị này tiếp tục sống động trong đời sống số.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm văn hóa truyền thống, tránh tình trạng xâm phạm hoặc biến tướng.

Nếu biết cách tận dụng sức mạnh của công nghệ một cách đúng đắn không chỉ bảo tồn mà còn làm lan tỏa những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Đó sẽ là cách để văn hóa truyền thống không chỉ trường tồn mà còn thích nghi, phát triển và trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước trong thời đại mới.

Đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng công nghệ

Xu hướng các sản phẩm văn hóa giải trí hiện nay đang có sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa quốc tế và bản sắc dân tộc, theo ông, đâu là thách thức và cơ hội cho ngành văn hóa, giải trí Việt Nam trong giai đoạn này?

Sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa quốc tế và bản sắc dân tộc trong các sản phẩm văn hóa, giải trí hiện nay vừa mang lại những cơ hội lớn, vừa đặt ra không ít thách thức cho ngành văn hóa, giải trí Việt Nam.

Thách thức đầu tiên là nguy cơ mai một hoặc bị lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh các sản phẩm văn hóa quốc tế ngày càng phổ biến và hấp dẫn, chúng ta phải đối mặt với tình trạng văn hóa truyền thống dần bị lép vế, đặc biệt là khi những giá trị truyền thống không được làm mới hoặc thiếu sự sáng tạo trong cách tiếp cận công chúng. Một thách thức khác là áp lực cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm văn hóa nước ngoài vốn đã có sẵn thương hiệu, chất lượng và nguồn lực tài chính vượt trội.

Tuy nhiên, chính sự giao thoa này cũng mở ra những cơ hội quan trọng. Đầu tiên, đó là cơ hội để chúng ta học hỏi và tiếp thu những tinh hoa từ các nền văn hóa khác, từ đó làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam. Sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại quốc tế với bản sắc dân tộc có thể tạo nên những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

Một cơ hội khác là khả năng đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nếu biết khai thác và quảng bá, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc như âm nhạc, ẩm thực, nghệ thuật dân gian hay phim ảnh có thể trở thành những "đại sứ văn hóa" trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, nhu cầu tìm kiếm sự khác biệt của khán giả toàn cầu cũng là lợi thế để chúng ta giới thiệu bản sắc một cách tự tin.

Ông có thể chia sẻ quan điểm về những chính sách, biện pháp mà Nhà nước cần triển khai để thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa, đồng thời bảo vệ được bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa đồng thời bảo vệ bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. Để đạt được điều này, Nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều chính sách và biện pháp nhằm vừa khai thác được tiềm năng văn hóa, vừa giữ vững giá trị cốt lõi của dân tộc.

Trước hết, cần triển khai tốt hơn nữa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ ban hành. Đây là lĩnh vực tiềm năng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và du lịch thông qua việc đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khuyến khích sáng tạo, đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp và nghệ sĩ tham gia vào lĩnh vực này, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị văn hóa trong nền kinh tế số.

Một chính sách quan trọng khác là tăng cường công tác giáo dục và truyền thông về văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giữ gìn bản sắc dân tộc phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và lòng tự hào của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhà nước cần đưa văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục từ sớm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khuyến khích giới trẻ tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, có những biện pháp cụ thể để bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di sản này không chỉ là tài sản quý giá của dân tộc mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch văn hóa. Nhà nước cần đầu tư vào việc bảo tồn, tu bổ di sản, đồng thời xây dựng các chương trình, dự án nhằm biến di sản thành nguồn cảm hứng sáng tạo trong đời sống đương đại.

Một điểm không kém phần quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi xâm hại giá trị văn hóa. Điều đáng mừng là năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tuy vậy, trong môi trường toàn cầu hóa, văn hóa rất dễ bị mai một hoặc biến tướng bởi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Nhà nước cần có thêm những quy định cụ thể để bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế một cách có chọn lọc.

Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và bảo vệ văn hóa. Văn hóa không phải là tài sản riêng của một cá nhân hay tổ chức nào mà là di sản chung của toàn dân. Sự đồng lòng của toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh để bảo vệ bản sắc dân tộc và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Với những chính sách đúng đắn và sự cam kết mạnh mẽ từ Nhà nước, kết hợp với sự chung tay của cộng đồng, văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển rực rỡ, khẳng định bản sắc độc đáo trong dòng chảy toàn cầu hóa, đồng thời góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh, thịnh vượng và nhân văn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Nguyệt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-bui-hoai-son-can-tan-dung-suc-manh-cua-cong-nghe-de-lan-toa-gia-tri-van-hoa-300680.html