ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Đầu tư cho văn hóa sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ bản sắc

Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ với lĩnh vực văn hóa mà còn đối với sự phát triển toàn diện của đất nước.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. (Nguồn: Quochoi)

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. (Nguồn: Quochoi)

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với 430/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài.

Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng. Chú trọng hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.Trong Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH. Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) về tầm quan trọng của chủ trương đầu tư cho phát triển văn hóa trong thời đại ngày nay.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, cần có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và mang tính chiến lược. (Ảnh: NVCC)

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, cần có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và mang tính chiến lược. (Ảnh: NVCC)

Mở ra cơ hội lớn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Dưới góc nhìn của một ĐBQH, theo ông, Nghị quyết này sẽ có những thay đổi tích cực nào trong đời sống văn hóa, đặc biệt là ở các lĩnh vực như bảo tồn di sản, phát triển văn hóa đọc, hay nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống?

Tôi cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với lĩnh vực văn hóa mà còn đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Đây không chỉ là một dấu mốc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến văn hóa, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của lĩnh vực này trong việc định hình bản sắc dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Chương trình này mở ra cơ hội to lớn để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, những di sản vốn là hồn cốt của đất nước qua hàng nghìn năm lịch sử. Việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở gìn giữ nguyên trạng các di sản vật thể và phi vật thể, mà còn hướng tới việc làm cho di sản trở nên sống động hơn trong đời sống đương đại. Từ đó, di sản không chỉ được người dân trân trọng mà còn được chuyển hóa thành nguồn lực, góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế sáng tạo và tăng cường kết nối cộng đồng.

Trong lĩnh vực văn hóa đọc, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ khơi dậy niềm đam mê tri thức, giúp xây dựng một thế hệ trẻ yêu đọc sách, biết trân trọng giá trị của tri thức. Phát triển văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sách mà còn tạo ra những không gian văn hóa, thư viện cộng đồng, cùng các hoạt động gắn kết giúp sách trở thành một phần thiết yếu trong đời sống người dân.

Ngoài ra, Chương trình còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa truyền thống, giúp người dân hiểu rằng, văn hóa không chỉ là tài sản của quá khứ mà còn là động lực để hướng tới tương lai. Thông qua giáo dục, truyền thông và các hoạt động cộng đồng, văn hóa sẽ được tích hợp sâu hơn vào đời sống thường nhật, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ bản sắc.

Tôi hy vọng, sau khi Chương trình được triển khai, đời sống văn hóa của người dân sẽ có những thay đổi tích cực, rõ nét. Văn hóa sẽ không chỉ là một khía cạnh tinh thần mà còn là nền tảng để phát triển xã hội, giúp con người sống nhân văn hơn, yêu quê hương đất nước hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung. Văn hóa sẽ trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, làm giàu thêm bản sắc dân tộc và đưa Việt Nam vững bước trong hội nhập quốc tế.

Việc thực hiện Nghị quyết này sẽ phải đối mặt với những thách thức gì và mang lại những cơ hội nào cho sự phát triển văn hóa của Việt Nam, thưa ông?

Tôi nghĩ, Nghị quyết này đi vào cuộc sống sẽ gặp không ít thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một trong những thách thức lớn nhất là sự chênh lệch về điều kiện phát triển văn hóa giữa các vùng miền, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, miền núi, hay vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi này, việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng, nguồn lực và nhận thức về văn hóa có thể làm chậm tiến độ triển khai các mục tiêu của chương trình.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ sự du nhập của các giá trị văn hóa ngoại lai, dễ dẫn đến nguy cơ mai một những giá trị văn hóa truyền thống nếu không có biện pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Một thách thức khác là sự đồng bộ trong thực hiện chính sách. Để Chương trình đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ngành văn hóa và cộng đồng. Tuy nhiên, sự phân tán trong quản lý, thiếu thống nhất trong triển khai có thể làm giảm tính hiệu quả và minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng mang lại những cơ hội. Đầu tiên, đây là cơ hội để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước. Khi được đầu tư bài bản và đúng hướng, Chương trình sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện để văn hóa trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế sáng tạo và du lịch, đồng thời, mở ra cơ hội phát triển văn hóa đọc, đưa tri thức và các giá trị nhân văn đến với cộng đồng rộng lớn hơn. Những thư viện cộng đồng, không gian sáng tạo được xây dựng sẽ là cầu nối giúp người dân tiếp cận gần hơn với tri thức và các hoạt động văn hóa.

Ngoài ra, đây là dịp để Việt Nam khẳng định vị thế văn hóa của mình trên trường quốc tế. Bằng việc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, Việt Nam không chỉ nâng cao hình ảnh quốc gia mà còn tạo điều kiện để lĩnh vực này trở thành nhịp cầu kết nối với thế giới.

Trình diễn múa rồng tại Lễ hội Đền Trần diễn ra tháng 8 âm lịch hàng năm ở Nam Định. (Nguồn: Nhandan)

Trình diễn múa rồng tại Lễ hội Đền Trần diễn ra tháng 8 âm lịch hàng năm ở Nam Định. (Nguồn: Nhandan)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa

Nghị quyết đã đề cập việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài. Theo ông, cần có những giải pháp cụ thể nào để đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa đáp ứng yêu cầu của thời đại?

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, cần có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và mang tính chiến lược. Trước tiên, việc cải cách chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục văn hóa, nghệ thuật là rất cần thiết. Nội dung giảng dạy cần được đổi mới, tập trung vào kỹ năng sáng tạo, tư duy đổi mới và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đồng thời bổ sung kiến thức về quản lý dự án, marketing văn hóa và quản trị các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Song song đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo là một bước đi quan trọng. Các chương trình học bổng, trao đổi học thuật, hội thảo quốc tế sẽ tạo điều kiện để cán bộ, nghệ sĩ tiếp cận với những xu hướng, phương pháp và công nghệ tiên tiến, từ đó áp dụng hiệu quả vào thực tiễn tại Việt Nam.

Đồng thời, cần tận dụng công nghệ hiện đại như các nền tảng học trực tuyến, thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, dễ tiếp cận cho các đối tượng học viên trên cả nước. Những công nghệ này không chỉ hỗ trợ trong giảng dạy mà còn giúp mô phỏng các tình huống thực tế, nâng cao khả năng xử lý vấn đề và thích nghi với những thay đổi của môi trường.

Một giải pháp quan trọng khác là tạo môi trường thực tiễn để đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này được học tập và thử nghiệm. Các không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa cộng đồng hoặc các chương trình nghệ thuật tại địa phương sẽ là nơi lý tưởng để áp dụng kiến thức, phát triển ý tưởng và nuôi dưỡng tài năng. Điều này giúp kết nối lý thuyết với thực hành, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.

Cùng với đó, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý và khuyến khích sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài. Việc cải thiện thu nhập, chế độ làm việc và các chính sách vinh danh, tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực này sẽ là động lực quan trọng. Hơn nữa, các chương trình đào tạo liên ngành cần được phát triển để cán bộ có khả năng tiếp cận đa chiều, kết hợp giữa văn hóa, công nghệ, kinh tế, du lịch và các lĩnh vực khác, từ đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thời đại.

Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là việc bồi dưỡng ý thức trách nhiệm và lòng yêu nghề. Đội ngũ nhân lực không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải có tinh thần cống hiến, ý thức bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình đào tạo không chỉ dừng lại ở kỹ năng và kiến thức, mà còn cần chú trọng xây dựng đạo đức nghề nghiệp, giúp mỗi cá nhân nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong việc phát triển văn hóa dân tộc.

Tôi tin, bằng cách triển khai đồng bộ những giải pháp này, chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần đưa văn hóa Việt Nam vươn xa và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn ĐBQH!

Hàn Thùy Dương (thực hiện)

Hàn Thùy Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-bui-hoai-son-dau-tu-cho-van-hoa-se-khoi-day-niem-tu-hao-dan-toc-va-y-thuc-gin-giu-ban-sac-295927.html